Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước Pakistan đã yêu cầu các công chức làm việc tại nhà 2 ngày/tuần. Yêu cầu được đưa ra khi Pakistan đang tìm cách tiết kiệm nhiên liệu và đảm bảo nguồn dự trữ USD.
Cụ thể, trong một thông báo trên Twitter, Ngân hàng Nhà nước Pakistan đã yêu cầu các nhân viên lựa chọn giữa họp trực tuyến, đi chung xe và giảm sử dụng điều hòa.
Cơ quan này cũng đưa ra quy định hạn chế đi lại. "Các biện pháp trên giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu nhưng không làm ảnh hưởng tới công việc", Ngân hàng Trung ương Pakistan tuyên bố.
"Chúng tôi khuyến nghị ngành ngân hàng và các ngành nghề liên quan tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể", cơ quan này nói thêm.
Chính quyền Pakistan đã yêu cầu các trung tâm thương mại, nhà máy ở nhiều thành phố đóng cửa sớm hơn bình thường và giảm một ngày làm việc/tuần.
Giá xăng dầu tăng cao trên toàn cầu khi nguồn cung không theo kịp nhu cầu, đóng góp lớn vào mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Chính quyền của Thủ tướng Shehbaz Sharif đã tăng giá xăng tới 83% trong chưa đầy một tháng. Nước này không muốn trợ giá nhiên liệu và đang tìm cách giành gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Pakistan, năng lượng được tiêu thụ trong nước chủ yếu đến từ nhập khẩu. Từ tháng 5 đến tháng 7, tổng giá trị xăng dầu nhập khẩu của nước này đã tăng 99%.
Các quốc gia trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Lạm phát tăng cao cũng làm giảm sức mua đối với những hàng hóa nhập khẩu.
Nga - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới - đang hứng chịu những đòn trừng phạt từ phương Tây sau khi đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2. Điều này tác động đáng kể tới nguồn cung dầu trên toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu đã phục hồi mạnh mẽ khi các quốc gia mở cửa trở lại sau thời kỳ dịch Covid-19.
Hồi giữa tháng 6, chính phủ Sri Lanka tuyên bố cho phép công chức nước này làm việc 4 ngày/tuần nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.