Theo đề xuất của Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy, Ngân hàng Nhà nước vừa trình dự thảo thông tư hướng dẫn việc cung ứng, bảo quản vàng miếng của các ngân hàng.
Một trong những điểm mới của văn bản này quy định cụ thể về hợp đồng bảo quản vàng miếng sẽ có thể khiến cho những lo ngại của người gửi về vàng giả, vàng sai tuổi… được giảm thiểu. Cụ thể, điều kiện bắt buộc của hợp đồng này, ngoài các thông tin liên quan tới khách hàng như địa chỉ, tên tuổi, số chứng minh hay các giấy tờ chứng nhận với khách hàng doanh nghiệp còn là những thông tin cụ thể nhất về hàng hóa được bảo quản là vàng miếng.
Trong hợp đồng, các thông tin về loại vàng miếng, số sê-ri, đặc điểm, số lượng, phí bảo quản, thời hạn, hình thức trả lại, địa điểm nhận và trả vàng miếng, quyền cũng như nghĩa vụ của các bên… cũng phải được nêu rõ ràng, chi tiết. Nếu không quy định thời hạn cụ thể hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, các ngân hàng cần phải trả lại vàng miếng theo yêu cầu của khách bất cứ lúc nào.
Dù vậy, việc trả lại vàng miếng cũng được linh hoạt hóa, dù các thông tin khi nhận loại “hàng giữ hộ” đặc biệt này bị siết chặt. Cụ thể, dự thảo thông tư nói trên của Ngân hàng Nhà nước mở ra 2 hướng xử lý đối với các nhà băng khi khách “đòi” vàng: hoặc trả lại chính số vàng khách đã gửi, hoặc trả lại vàng cùng loại, cùng nhãn hiệu, chất lượng, khối lượng với số khách đã gửi. Các nhà băng cũng chỉ được sử dụng vàng khách gửi vào mục đích trả lại, không được chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, chuyển đổi hay cầm cố, thế chấp, ký quỹ… và phải thu phí, thay vì trả lãi cho người gửi.
So với những văn bản cũ hướng dẫn việc bảo quản, giữ hộ vàng miếng trước đây, dự thảo thông tư nói trên của Ngân hàng Nhà nước đã có phần chi tiết, cụ thể và đầy đủ hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc mở nhiều “đường” cho công tác bảo quản, giữ hộ vàng thay vì đồng nhất một quan điểm có thể sẽ tạo kẽ hở để các đơn vị tiếp tục lách, trong đó có 2 phương án trả vàng cho người gửi.