NHNN dự kiến siết giới hạn cho vay của ngân hàng với một khách hàng cũng như siết tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đây là hai trong các nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi. Tại dự thảo lần này, cơ quan quản lý tiền tệ đã đề xuất một loạt quy định mang tính siết chặt hơn về giới hạn cho vay của ngân hàng, cũng như siết tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân hoặc tổ chức tại ngân hàng.
Cụ thể, tại quy định về giới hạn cấp tín dụng, dự thảo của NHNN quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng. So với quy định hiện hành, tỷ lệ này đã giảm 5 điểm %, từ mức 15% đang áp dụng.
Tương tự, NHNN cũng quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, cũng thấp hơn mức 25% hiện hành.
Ở quy định hạn chế cấp tín dụng, NHNN cũng đã bổ sung thêm đối tượng mà các ngân hàng không được cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi. Các đối tượng này bao gồm chủ tịch và thành viên HĐQT; trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát; giám đốc, phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân. Trước đó, việc hạn chế cấp tín dụng này chỉ áp dụng với nhân sự kế toán trưởng.
Ngoài ra, các đối tượng như tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại ngân hàng; thanh tra viên đang thanh tra ngân hàng; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại ngân hàng; các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng… đều thuộc nhóm bị hạn chế cấp tín dụng.
Bên cạnh việc siết tỷ lệ cho vay tối đa với người và tổ chức có liên quan, NHNN cũng siết tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân và tổ chức tại ngân hàng.
- Một số thay đổi được NHNN đề xuất trong Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi:
Nội dung | Quy định hiện tại | Quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi |
Đối tượng ngân hàng không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi | Kế toán trưởng của ngân hàng | Kế toán trưởng; chủ tịch và thành viên HĐQT; trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát ngân hàng; giám đốc, phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân |
Dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng | 15% vốn tự có | 10% vốn tự có |
Dự nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng và người có liên quan | 25% vốn tự có | 15% vốn tự có |
Tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông cá nhân | 5% vốn điều lệ | 3% vốn điều lệ |
Tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông tổ chức | 15% vốn điều lệ | 10% vốn điều lệ |
Theo đó, một cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ ngân hàng, thấp hơn quy định hiện tại là không quá 5%. Tương tự, một cổ đông là tổ chức sẽ không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ ngân hàng (trừ một số trường hợp), cũng thấp hơn mức 15% đang cho phép.
Một số trường hợp được sở hữu quá 10% vốn ngân hàng được NHNN đề xuất là cổ đông sở hữu cổ phần tại TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của TCTD tại công ty con, công ty liên kết theo quy định; sở hữu cổ phần Nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định.
Ngoài ra, thay vì để cổ đông và người có liên quan được sở hữu tối đa 20% vốn ngân hàng, NHNN đề xuất đưa tỷ lệ này về mức 15%. Và cổ đông lớn của một ngân hàng cùng người có liên quan không được sở hữu quá 5% vốn của một ngân hàng khác.
Lý giải về các đề xuất trong dự thảo mới, NHNN cho biết qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các TCTD đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các ngân hàng cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý cũng như biện pháp xử lý các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD tồn tại một số vướng mắc với các Luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã... và phát sinh một số vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ thành viên HĐQT, HĐTV trong quá trình áp dụng trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, một số nghiệp vụ của ngân hàng chưa được quy định tại Luật gây khó khăn trong việc thực hiện như hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý thanh toán…
Ngoài ra, Luật các TCTD còn một số tồn tại, hạn chế khác liên quan quy định về thư tín dụng (L/C); quy định về nhận tiền gửi giữa các ngân hàng; hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự…
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.