Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo Thông tư mới, các ngân hàng thương mại sẽ phải xác định trước và đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất trong 2 năm 2022-2023 theo tỷ trọng dư nợ cho vay. Ngoài ra, các nhà băng cũng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất chi tiết cho từng năm theo Nghị định số 31/2022.
Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đăng ký của các ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, NHNN sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký trước đó.
Tuy nhiên, nếu tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký của các ngân hàng lớn hơn 40.000 tỷ đồng, NHNN sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại.
Trong đó, hạn mức NHNN xác định sẽ bằng tích số giữa 40.000 tỷ đồng và tỷ trọng dư nợ cho vay đến 31/12/2021 của từng ngân hàng thương mại trên tổng dư nợ cho vay của các nhà băng có đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, hạn mức này sẽ không vượt quá số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của từng ngân hàng.
Hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành nghề sẽ được vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nay đến hết năm 2023. Ảnh: Thạch Thảo. |
Dựa vào kết quả xác định hạn mức trong 2 năm kể trên, NHNN xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 đối với từng ngân hàng bằng số tiền hỗ trợ lãi suất các nhà băng đã đăng ký trước đó. Còn lại, hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 sẽ là phần dư còn lại sau khi đã trừ hạn mức xác định năm 2022.
Thông tư 03/2022 của NHNN cũng cho biết đến quý III/2023, trong trường họp cần thiết, căn cứ báo cáo của các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh hạn mức hỗ trợ lãi suất giữa các ngân hàng.
Về phương thức hỗ trợ lãi suất, Thông tư mới quy định đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn, các ngân hàng có thể lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong các phương thức.
Một là, giảm trừ trực tiếp số tiền lãi vay được hỗ trợ. Hai là, thực hiện thu toàn bộ tiền lãi vay trong kỳ rồi hoàn trả tiền lãi được hỗ trợ.
Cơ quan quản lý tiền tệ yêu cầu trong quá trình cho vay, các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm xác định và ghi rõ nội dung mục đích sử dụng vốn vay phù hợp với quy định. Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, nếu từ chối hỗ trợ phải có văn bản thông báo cho khách hàng.
Các ngân hàng cũng phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng; theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Với các đơn vị thuộc NHNN, cơ quan quản lý yêu cầu thành lập và tham gia tổ công tác hỗ trợ lãi suất liên ngành. Trong đó, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế là đầu mối theo dõi kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng; Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định và Thông tư.
Với Vụ Tài chính kế toán, NHNN yêu cầu hướng dẫn các vấn đề về hạch toán kế toán liên quan đến cho vay hỗ trợ lãi suất, thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất, thu hồi số lãi tiền vay đã được hỗ trợ lãi suất. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra, giám sát việc cho vay của các ngân hàng…