Câu chuyện về doanh nghiệp yêu cầu chiều cao của ứng viên khi tuyển dụng một lần nữa được khai thác trong một mẩu quảng cáo bột giặt thời gian gần đây. Trong video quảng cáo này, cô gái là ứng cử viên dù đã đi giày cao, nhưng vẫn thấp hơn so với những người cùng “ứng thí” khác, song nhờ chiếc áo trắng sáng vượt trội mà đã được lọt vào vòng trong. Thông điệp chính của quảng cáo nói trên là tính năng của sản phẩm. Song chuyện tuyển người dựa vào chiều cao vẫn là một khía cạnh được không ít người nhắc đến, với nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt trong những ngành đặc thù như tài chính ngân hàng.
Than thở trên một diễn đàn dành cho “dân” tài chính ngân hàng cách đây chưa lâu, một thành viên cho biết, cầm hồ sơ dến 2 ngân hàng lớn để ứng tuyển, song vì không đủ chiều cao nên bị đuổi về. “Chẳng lẽ ở đây có sự đào thải khốc liệt vậy sao?”, lời chia sẻ ngắn gọn, đơn giản, xong chứa đựng không ít chua chát khiến cho nhiều thành viên trên diễn đàn bày tỏ sự cảm thông.
Nhân viên các ngân hàng ngoại thường được yêu cầu trình độ Tiếng Anh tốt hơn nhà băng trong nước. Ảnh: Tuấn Mark. |
Thực tế, không phải đến bây giờ, chuyện tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới được đem ra bàn tán, mà trước đó, một số tiêu chí tuyển người đã trở thành giai thoại đối với những người muốn thi tuyển. Từ những cách tuyển dụng không giống ai, hay bộ câu hỏi phỏng vấn không theo bất cứ một nguyên tắc nào... đều được đem ra mổ xẻ, bình luận và so sánh giữa đơn vị này với đơn vị kia. Thậm chí, chuyện bằng cấp cũng được đem ra mổ xẻ. Một ứng viên thi tuyển vào ngân hàng cổ phần lớn nhất nhì hệ thống, chia sẻ, dù bằng giỏi, song không quen biết hoặc có “đối thủ” là một người “nặng đô” hơn cũng bị loại như thường.
Trong khi đó, cách tuyển người của các ngân hàng nước ngoài tương đối nghiêm túc, khi phần lớn chú trọng vào năng lực, chuyên môn của ứng viên hơn những yếu tố khác như là ngoại hình. Hiền - nhân viên ngân hàng Indochina làm việc tại TP.HCM cho biết, Tiếng Anh tốt là một trong những yêu cầu đầu tiên của ngân hàng nước ngoài này trong khâu tuyển nhân viên, do đó, khi ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào của ngân hàng này, khả năng Tiếng Anh tốt sẽ được đánh giá cao. “Bản thân mình, ngoại hình không có nhiều nổi trội, chỉ cao chưa đầy 1,6m, nhưng có hai bằng đại học, một Ngoại ngữ, một Ngân hàng, nên được chú ý”, Hiền cho biết. Cô nhân viên của IndochinaBank cũng nói thêm, mất 2 năm phải xa nhà, làm việc trong TP.HCM, nhưng so với bạn bè cùng lớp, cô vẫn may mắn hơn nhiều vì xin được việc.
Ngân hàng HSBC tại Việt Nam để cho các ứng viên cơ chế tuyển dụng tương đối mở. Nếu thấy phù hợp với vị trí nào, người thi tuyển có thể nộp hồ sơ. Theo một cán bộ nhân sự ngân hàng có kinh nghiệm, thường HSBC sẽ chia thành 2 khối Tiếng Việt và Tiếng Anh. Với khối tiếng Việt, việc tuyển dụng có thể tiến hành đại trà, trong khi tiếng Anh, nhà băng này sẽ ưu tiên cho người học trường quốc tế hoặc đi du học, vì khả năng có thể tốt hơn so với các ứng viên khác.
Việc thi tuyển cũng được tiến hành qua nhiều vòng giống như các nhà băng khác, song điểm khác biệt của ngân hàng này là thường nhận sinh viên các năm cuối vào thực tập, sau đó nếu làm tốt công việc thì sẽ thông qua những vòng thi tuyển để tuyển dụng vào vị trí cần thiết. Ngoài ra, theo chia sẻ của một số ứng viên đã từng thi tuyển tại đây, quá trình “quay vòng” nhân sự của ngân hàng ngoại này diễn ra tương đối nhanh, nên cơ hội dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm được chia đều.
Điểm khác của các ngân hàng nước ngoài trong tuyển dụng, theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, là sự thực tế và sự rõ ràng, minh bạch trong từng tiêu chí. Chẳng hạn, tại Việt Nam, một số nơi vẫn chú trọng bằng cấp hơn là trình độ chuyên môn thực tế của nhân viên, thậm chí đề ra các yêu cầu về hình thức khá khắt khe. Trong khi đó, ở một số ngân hàng nước ngoài, ông Hiếu cho rằng, trình độ chuyên môn mới là nhân tố quyết định, thay vì những yếu tố khác trong đó có ngoại hình.