Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng 'ngậm quả đắng' với vàng

Trong số những ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2012, có không ít đơn vị ngậm “quả đắng” do kinh doanh vàng trong bối cảnh giá biến động mạnh.

Ngân hàng 'ngậm quả đắng' với vàng

Trong số những ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2012, có không ít đơn vị ngậm “quả đắng” do kinh doanh vàng trong bối cảnh giá biến động mạnh.

Eximbank quý IV/2012 đạt lợi nhuận hơn 410 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hơn 1.300 tỷ cùng kỳ 2011. Còn tính cả năm, số tuyệt đối là 2.850 tỷ, bằng một nửa so với mức trên 4.000 tỷ của năm trước đó. Theo giải thích của ngân hàng này, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mà cụ thể là vàng, chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nói trên.

Trong khoản lỗ hơn 870 tỷ đồng của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tại quý IV/2012, có một phần nguyên nhân từ vàng. Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối (trong đó có vàng) của nhà băng này giảm hơn 191 tỷ đồng so với quý IV/2011. Theo Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang, biến động giá vàng ảnh hưởng đến khâu kinh doanh kim loại này trong hoạt động ngoại hối. Trước đó, Sacombank là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia bán vàng bình ổn.

ACB cũng là một trong những ngân hàng chịu hệ quả nặng nề khi giá vàng biến động mạnh trong năm 2012. Quý III/2012, ngân hàng này công bố khoản lỗ 1.200 tỷ đồng từ mua bán vàng, ngoại hối và dự báo, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, sang quý IV, khoản lỗ này có thể nhiều hơn. Không nằm ngoài dự đoán, 3 tháng cuối năm 2012, khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng tiếp tục tăng thêm 612 tỷ đồng, nâng số lỗ từ mảng này lên tới hơn 1.800 tỷ. Giải trình rõ ràng trong báo cáo tài chính quý IV, ACB cho biết, do đáp ứng khách hàng để tuân thủ quy định ngừng huy động, cho vay bằng vàng theo nội dung Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước nên xuất hiện khoản lỗ trên 600 tỷ đồng nói trên.

Không phải là nghiệp vụ chính của một ngân hàng thương mại, song các hoạt động liên quan đến ngoại hối và vàng luôn tạo ra lợi nhuận "khủng" cho nhà băng trong những năm vừa qua. Ảnh: Lan Anh.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng Á Châu cho biết, đúng là trong năm 2012, ngân hàng lỗ một khoản không nhỏ do kinh doanh vàng. Huy động vàng trong dân từ những năm trước đó và chuyển hóa thành tiền đồng để hoạt động, đến khi giá vàng chênh lệch cao, cộng thêm các chính sách điều hành từ cơ quan quản lý, như việc yêu cầu các nhà băng ngừng huy động, cho vay bằng vàng, đồng thời cân đối trạng thái vàng đã cho vay khiến cho khoản lỗ nói trên gia tăng từ quý III đến quý IV/2012.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần chia sẻ, bên cạnh ủy thác đầu tư hay cho vay, hoạt động ngoại hối, trong đó có kinh doanh vàng, là một trong những điểm mấu chốt khiến tạo ra lợi nhuận cao vọt cho các ngân hàng những năm trước đó. Tuy nhiên, trong năm 2012, ngoài biến động giá vàng, một loạt chính sách điều hành thị trường được đưa ra, đặc biệt là quy định chấm dứt huy động vốn, cho vay bằng vàng khiến cho nhiều nhà băng lỗ nặng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lợi nhuận các ngân hàng giảm mạnh, bên cạnh hoạt động kinh doanh vàng, còn là từ nhiều nhân tố khác, trong đó có việc mạnh bạo rót tiền cho vay từ những năm trước đó, tín dụng thu hẹp, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng đều tăng mạnh. Theo quan điểm của chuyên gia này, kinh doanh vàng là hoạt động “phi truyền thống” của ngân hàng, dù đem lại lợi nhuận lớn nhưng lại rất rủi ro. Về bản chất, nhiệm vụ chính của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần, là thu hút vốn nhàn rỗi của người dân và cho vay, chứ không phải những nghiệp vụ khác, trong đó có vàng như các nhà băng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định, thời gian tới, việc kinh doanh vàng của các ngân hàng sẽ gặp ít rủi ro hơn so với những năm trước đó do nghiệp vụ huy động, cho vay bằng vàng đã bị cấm hoàn toàn.

Giữa năm 2010, giá vàng trong nước bắt đầu có biến động mạnh, đến cuối năm đã chạm mốc hơn 35 triệu đồng, từ mức gần 27 triệu đồng/lượng vào đầu năm. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, mỗi lượng vàng đã tăng 8 triệu đồng (tương đương gần 30%).

Trong năm 2011, giá vàng tăng phi mã, vào tháng 9 đã bật qua 48 triệu đồng/lượng. Những nỗ lực bình ổn giá vàng của cơ quan điều hành để kéo giá trong nước đi sát với thế giới gần như không có nhiều tác dụng trong cả năm 2012, vì nhiều lý do. Đến đầu 2013, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn khoảng 5 triệu đồng/lượng. Xu hướng giá luôn trên dưới 45 triệu đồng/lượng.

Lan Anh

Theo Infonet
 

Lan Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm