Ngân hàng lớn ngưng gom vốn dài hạn lãi suất cao
Trong khi nhà băng lớn giảm lãi suất huy động trên 12 tháng xuống 11%/năm, các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức trên 12% hoặc có thể thỏa thuận tùy theo số tiền.
Cách đây 1 tuần, Techcombank vẫn niêm yết huy động lãi suất 12,3%/năm, nhưng từ hôm 9/7 mức cao nhất đã trở về 11%/năm. Còn với các nhà băng lớn khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Vietinbank, Vietcombank... lãi suất huy động kỳ hạn dài đã về 9% hoặc thấp hơn từ trước.
Trong khi đó, SeaBank cũng lùi lãi suất 1% so với trước, nhưng mức cao nhất cho tiết kiệm thả nổi là 11,8%/năm (trước đó 12,8%); kỳ hạn ngắn hơn như 12 tháng, mức này từ 11% đến 11,4%/năm, tùy số tiền. Theo lời nhân viên nhà băng này, đây là chính sách từ hội sở nên các chi nhánh phải thực hiện.
Sau một thời gian huy động với lãi suất cao nhất là 12,8%/năm, những ngày gần đây, SeaBank áp dụng mức tối đa 11,8%. Ảnh: Lan Anh. |
Còn tại Western Bank - một trong những nhà băng áp dụng lãi suất thả nổi cao nhất lên tới 14%/năm, đến ngày 10/7 đã điều chỉnh lãi 13 tháng chỉ còn 12%/năm (giảm 1,5%). Trước đó, ngân hàng này có một lần hạ xuống 13,5%/năm sau khi bị các nhà băng khác phản ứng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang cố gắng đẩy lãi suất huy động dài hạn lên cao. Tại một nhà băng nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, nhân viên ở đây cho biết, lãi suất cao nhất áp dụng cho các khoản gửi kỳ hạn 1 đến 3 năm là 12%/năm. Tuy nhiên, chỉ mất vài câu mặc cả, khách hàng có thể được nhận mức lãi cao hơn 1% so với niêm yết. Nhân viên còn yêu cầu người gửi tiền đến tận nơi để giao dịch vì có thể mức lãi suất sẽ khác hơn so với thông báo.
Ở một ngân hàng khác trên phố Tây Sơn (Hà Nội), nhân viên giao dịch quả quyết, mức lãi suất cao nhất là 12%/năm, kỳ hạn 3 năm, 1 năm là 11%, từ 13 đến 18 tháng là 11,5%. “Đây không phải là mức cao, nhưng nếu cộng thêm tiền mặt trúng thưởng từ cào thẻ, thì tính ra không kém các ngân hàng khác”, cô này khẳng định. Theo lời nhân viên, với xác suất trúng khi cào thẻ là 65%, số tiền từ 100.000 đồng đến 100 triệu, nếu may mắn, người gửi còn lãi hơn so với gửi tại ngân hàng khác.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, có nhiều lý do để các nhà băng đẩy lãi suất huy động dài hạn lên cao. Trong đó, thiếu vốn chưa hẳn là nguyên nhân chính, mà chủ yếu để giữ chân khách hàng. Ông trần tình: “Ngân hàng đã quy mô nhỏ, lại còn áp dụng lãi suất thấp hơn các nhà băng lớn, thì chỉ có nước tuyên bố ngừng kinh doanh. Giờ chỗ lớn cũng đã trên dưới 11%/năm rồi, thì chỗ nhỏ cũng phải chênh thêm 0,5-1% đi kèm các chương trình khuyến mãi, tặng quà, thẻ cào, mới mong giữ được khách”. Lãnh đạo này còn nói thêm, một số đơn vị có công ty “sân sau” đang huy động để cho chính các công ty này vay, giải quyết khó khăn trước mắt, vì đi vay chỗ khác không được.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các nhà băng thay đổi lãi suất huy động kỳ hạn dài là một biểu hiện không ổn định của thị trường. Ông nói thêm, bên cạnh những đơn vị ổn định chủ yếu là các ngân hàng lớn, trên thị trường hiện nay không thiếu những nhà băng vẫn còn cần vốn, và thanh khoản mới chỉ dừng lại ở “đủ” chứ chưa “dư thừa”. Do đó, chuyện nâng lãi suất để thu hút tiền gửi, giữ chân khách hàng là bình thường. “Đường cong lãi suất đang cao ở kỳ hạn dài, thấp ở ngắn. Mức chênh lệch dài hạn khoảng 2% so với ngắn hạn không có gì đáng bàn”, ông Hiếu nhận định.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trên thị trường đang có hiện tượng một số ngân hàng trả lãi suất cao ngay cả khi khoản gửi chưa đến hạn. “Điều này là vi phạm, vì theo quy định, lãi suất dưới 12 tháng được áp trần 9%/năm. Nếu ngân hàng nào làm như vậy là đã lách trần quy định”, chuyên gia này nhận xét.
Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng cổ phần ở Hà Nội lại bật mí nguyên nhân khác khiến nhà băng lớn giảm lãi suất huy động dài hạn về mức thấp sau khi đẩy lên cao, còn nhà băng nhỏ vẫn giữ nguyên. Ông này cho rằng, việc ngừng huy động lãi suất cao của vài ngân hàng chấm dứt cách đây vài ngày, trùng thời điểm các nhà băng sắp phải công bố kết quả kinh doanh quý II. Ông này nói: “Cũng không loại trừ khả năng, ngân hàng cố huy động dài hạn để thu hẹp chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có, làm đẹp hơn bảng cân đối tài chính”.
TUỆ MINH
Theo Infonet