Khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trong nước, hầu hết hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch đối với người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể những tháng vừa qua có xu hướng tăng.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động kinh doanh, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý tài khóa, tiền tệ đã và đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ hậu dịch Covid-19.
Với chính sách tài khóa, ngoài gói gia hạn 180.000 tỷ đồng thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí khoảng 40.000 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ này đã trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội về mức thực hiện chính sách thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ 1/7.
Nội dung chính của các giải pháp tại dự thảo này là áp dụng thuế suất 15% với doanh nghiệp siêu nhỏ; 17% với doanh nghiệp nhỏ; và miễn thuế thu nhập 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Ước tính từ cơ quan quản lý, nếu chính sách này được thông qua, sẽ có khoảng 760.000 doanh nghiệp, chiếm 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7.800 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sớm ban hành Thông tư 01 và Chỉ thị 02 về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ tháng 5 đến nay, khi dịch dần được kiểm soát, NHNN đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành, đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho từng doanh nghiệp tại từng địa phương để sớm giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng đang đồng loạt tung ra các gói tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn nhiều thông thường để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trở lại kinh doanh sau dịch bệnh. Ảnh: HDB. |
Thậm chí, cơ quan này cũng đang đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, tăng thời gian người dân, doanh nghiệp được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất…
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 25/5, tất cả ngân hàng trong nước, nước ngoài, công ty tài chính... đều đã tham gia cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng.
Số khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất đã lên tới hơn 320.000 khách với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mới lãi suất ưu đãi, tài trợ vốn để doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng. Trong đó, lãi suất phổ biến thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch.
Như HDBank, trong 2 tháng 4 và 5 vừa qua, nhà băng này đã liên tiếp tung ra hàng loạt gói tín dụng mới trị giá hàng chục nghìn tỷ với lãi suất giảm cao nhất tới 4,5% so với thông thường.
Trong đó có gói tín dụng 24.000 tỷ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu để bình ổn giá, bổ sung vốn lưu động, chi lương cho nhân viên; 10.000 tỷ cho vay tiêu dùng với cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm 2-4,5%; 3.000 tỷ tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế…
Cùng tham gia việc giảm phí thanh toán, dịch vụ ngân hàng với Công ty chuyển mạch quốc gia NAPAS và Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), HDBank cũng đã thông báo việc miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng, tương đương mức giảm của NAPAS.
Ngoài ra, ngân hàng này còn miễn nhiều loại phí cho khách hàng cá nhân như quản lý tài khoản, dịch vụ Internet banking, mobile banking… cho các khách hàng gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng.
Trong dịch Covid-19, nhằm khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online, thanh toán không dùng tiền mặt, HDBank triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích, giúp khách hàng chủ động thực hiện các giao dịch giải ngân, thanh toán tự động, kiểm tra thông tin lãi suất, cân đối và chủ động tài chính trên nền tảng thiết bị điện tử hoặc điện thoại thông minh, giúp khách hàng có thể giao dịch từ xa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Để biết thêm thông tin chi tiết về các ưu đãi và các gói hỗ trợ của HDBank, độc giả xem chi tiết tại đây.