Giao dịch được thực hiện tại một phòng giao dịch Sacombank tại quận Bình Tân. Ban đầu anh T. vẫn có thể nộp tiền vào tài khoản nhưng ngày 28/4, ngân hàng đã thu phí cho việc nộp tiền mệnh giá nhỏ với mức 55.000 đồng.
“Thường một ngày tôi nộp 3-4 triệu đồng, hôm đó do rơi vào cuối tuần, tôi dồn hai ngày được hơn 7 triệu đồng nộp vào tài khoản thì bị thu phí với mức trên”, anh T. nói và cho rằng việc thu phí như vậy là vô lý vì tiền dù mệnh giá nào cũng có giá trị lưu hành như nhau, vì sao lại phân biệt đối xử.
Tiền giấy có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống không dễ nộp số lượng lớn vào ngân hàng. |
Anh cũng bức xúc vì việc thu phí thực hiện không thống nhất. Ngay sau khi bị thu phí anh T. đã đổi sang giao dịch tại một phòng giao dịch khác của Sacombank tại quận 8 thì nhân viên ngân hàng vẫn cho anh nộp tiền vào tài khoản mà không thu phí nộp tiền mệnh giá nhỏ.
Trả lời về vấn đề này, Sacombank cho biết hiện ngân hàng có quy định về phí kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ, từ 5.000 đồng trở xuống đối với khách hàng nộp tiền tại quầy để gửi vào tài khoản hoặc thanh toán. Mức phí tương đương 0,5% số tiền, tối thiểu là 50.000 đồng, chưa tính thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, giám đốc sở giao dịch hoặc giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch được quyền xét giảm hoặc miễn phí kiểm đếm cho từng đối tượng khách hàng. Do vậy việc một phòng giao dịch tại quận Bình Tân thu phí kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ của khách hàng vào ngày 28/4 là đúng quy định.
Giao dịch viên cũng đã thông báo cho khách hàng trước khi thu phí và khách hàng đã đồng ý. Còn việc khách hàng không phải nộp phí kiểm đếm với các giao dịch trước ngày 28/4 và sau ngày 28/4 (tại một phòng giao dịch khác) là do trưởng phòng giao dịch linh động miễn phí cho khách hàng theo như quy định.
Việc thu phí khi khách hàng nộp tiền mệnh giá nhỏ không chỉ riêng tại Sacombank mà đã có ngân hàng thực hiện thí điểm tại một số khu vực. Đối tượng áp dung là khách hàng nộp tiền mệnh giá từ 500 đồng đến 5.000 đồng, số lượng từ 100 tờ trở lên. Mức phí phổ biến là 50 đồng một tờ. Tuy nhiên việc thu phí này cũng rất linh hoạt và không thống nhất giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trong cùng một hệ thống ngân hàng.
Thu phí làm giảm khả năng cạnh tranh
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM nói việc thu phí khi khách hàng nộp tiền mệnh giá nhỏ hay không là tùy vào từng trường hợp, khách hàng nào thường xuyên nộp tiền mệnh giá nhỏ với số lượng lớn thì ngân hàng mới thu phí. Còn với khách hàng không thường xuyên nộp tiền lẻ thì ngân hàng miễn phí.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại quận 3, TP.HCM nói ngân hàng không thu phí kiểm đếm với tiền mệnh giá nhỏ nhưng quy định tiền nộp vào tài khoản nếu khách hàng chuyển đi trong vòng hai ngày làm việc thì ngân hàng sẽ thu phí kiểm đếm hộ nhằm tránh việc khách hàng lợi dụng bộ máy của ngân hàng để làm công cụ kiểm đếm. “Cũng phải hiểu cho ngân hàng vì kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ rất cực. Chưa kể các loại tiền mệnh giá nhỏ rất khó chi ra cho khách hàng”, vị giám đốc này nói.
Cũng theo các ngân hàng, thực tế người dân nộp tiền lẻ với số lượng lớn vào ngân hàng là không thường xuyên vì thường tiền lẻ được giữ lại để quay vòng trong lưu thông, hoặc người nọ đổi cho người kia. Hơn nữa người dân cũng ngại mang tiền lẻ nộp vào ngân hàng vì phải chờ đợi kiểm đếm rất mất công cho cả ngân hàng lẫn khách hàng.
Trong khi đó đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nói hiện chưa có quy định về việc này. Một số ngân hàng có thu phí này như một dạng phí dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng dù theo quy định không bị cấm nhưng trên thực tế nhiều ngân hàng cạnh tranh đã không thu phí để thu hút khách hàng. “Việc thu phí có thể hiểu là cách ngân hàng hạn chế nhận tiền mệnh giá nhỏ vì ngân hàng không có quyền từ chối nhận tiền của người dân. Tuy nhiên việc này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút khách hàng”, ông Kiêm nói.