Thông tin được các lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ tại hội nghị trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước diễn ra ngày 22/4 vừa qua.
Theo đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp người dân chịu ảnh hưởng của dịch. Đây cũng là cứu cánh hỗ trợ các tổ chức tín dụng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo vị lãnh đạo nhà băng, dù tất cả đều có quyết tâm rất cao trong việc phòng chống dịch nhưng mỗi tổ chức tín dụng có năng lực tài chính khác nhau, nên sự ứng xử, chia sẻ với doanh nghiệp cũng khác nhau.
Với Vietcombank, nhà băng này dự kiến dành khoảng 2.240 tỷ lợi nhuận để chia sẻ giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Dự tính số tiền này đến tay khách hàng rất nhanh, đến tháng 6 sẽ đạt 70% con số nói trên và đạt 100% vào cuối tháng 9.
Liên quan đến chính sách tiền lương và thu nhập của nhân viên ngân hàng khi lợi nhuận sụt giảm vì chia sẻ lãi suất, vị chủ tịch cho biết chưa thể nói thu nhập nhân viên sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, ngân hàng dự tính mức thu nhập sẽ tương đương lợi nhuận thực hiện sau khi chia sẻ lãi suất với doanh nghiệp và người dân.
“Điều này để làm sao lương quản lý có giảm, nhưng lương cán bộ nhân viên thì vẫn giữ nguyên”, ông Thành nhấn mạnh.
Vietinbank dự kiến giảm 3.000-4.000 tỷ lợi nhuận so với kế hoạch đã đề ra cho năm nay. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, ngân hàng đã xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu với mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể cho doanh nghiệp. Bao gồm các lĩnh vực điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Vietinbank, kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi tối đa.
Mức hỗ trợ lãi suất có thể giảm cho nhóm này là 2-2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Với các đối tượng còn lại, Vietinbank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp để giảm 0,5-1,5%.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thừa nhận, với mức giảm lãi suất, giảm phí như trên, dự kiến lợi nhuận năm nay của ngân hàng giảm 3.000-4.000 tỷ so với kế hoạch đã đề ra.
Trong khi đó, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đã xác định lại phương án tài chính với doanh thu năm nay giảm khoảng 6.000 tỷ, và lợi nhuận giảm 20%, đồng thời trích lập dự phòng 16.000 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu này áp dụng với kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ 100.000 tỷ cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 2,1%.
“Việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng dự kiến rất khó khăn trong năm nay nhưng ngân hàng sẽ cố gắng trích lập 16.000-18.000 tỷ. Khi đó, doanh thu dự kiến giảm 5%, lợi nhuận giảm 20%, còn khoảng 11.040 tỷ đồng", ông Thành chia sẻ.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ. Số lượng khách hàng được hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu là 289.000 khách, dư nợ khoảng 948.400 tỷ và doanh số cho vay mới đạt 511.200 tỷ đồng với 146.600 khách hàng.