Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2022, trong đó, cho biết tính đến ngày 21/3, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đã tăng 2,49% so với cuối năm 2021, cao hơn 1 điểm % so với mức tăng cùng kỳ năm 2021 (1,49%).
Với mức tăng kể trên, ước tính đã có gần 334.000 tỷ đồng được bổ sung vào tổng cung tiền của nền kinh tế trong chưa đầy 3 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, mức cung tiền tăng thêm năm nay đã cao hơn gần gấp đôi.
Dù số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, so với số liệu cuối tháng 1 mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra lại thấp hơn.
Cụ thể, NHNN cho biết đến cuối tháng 1, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đã tăng 2,59%, tương đương có gần 350.000 tỷ đồng được bổ sung vào cung tiền toàn nền kinh tế. Mức này cao hơn tương ứng gần 16.000 tỷ đồng so với số liệu đến cuối tháng 3 của Tổng cục Thống kê.
Cũng theo số liệu của cơ quan thống kê, số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến ngày 21/3 đã tăng 2,15%, cao hơn nhiều so với mức 0,54% cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cùng thời điểm là 4,03%, cao hơn 2,7 lần so với năm 2021 (tăng 1,47%).
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành vào khoảng 10,44 triệu tỷ đồng, như vậy, các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế gần 421.000 tỷ đồng trong chưa đầy 3 tháng đầu năm nay qua kênh cho vay.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG TOÀN NỀN KINH TẾ TỪ ĐẦU NĂM 2022 | |||||
Nguồn: NHNN; Tổng cục Thống kê; Tổng hợp | |||||
Nhãn | Cuối tháng 1 | 25/2 | 10/3 | 21/3 | |
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành | % | 2.74 | 2.52 | 3.11 | 4.03 |
Đến ngày 21/3, tổng dư nợ trong nền kinh tế ước đạt 10,86 triệu tỷ đồng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trước đó, số liệu của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đã biến động liên tục trong những tháng đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu này đạt 2,74% vào cuối tháng 1, cao nhất trong một thập niên trở lại đây, nhưng lại giảm nhẹ tại thời điểm 25/2 còn 2,52%. Đến 10/3, tăng trưởng tín dụng đã phục hồi và đạt 3,11%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN, các nhà băng ước tính tín dụng sẽ tăng 5,3% trong quý I năm nay và tăng 14,1% trong cả năm 2022.
Các chuyên gia thì cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm nay phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh.
Ngoài ra, tín dụng cũng được hỗ trợ nhờ dòng vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi. Hiện tại, Vietcombank đang triển khai chương trình lãi suất ưu đãi với quy mô 49.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian từ 15/3 đến 31/3, lãi suất từ 5,6-8,3%/năm.
Tương tự, BIDV cũng thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng với quy mô 200.000 tỷ đồng. Trong đó 100.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,5%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng.