Cách nay đã lâu, năm 2005, hồi Trung tâm Văn hóa doanh nhân còn sung sức, với sự tài trợ của Giám đốc Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đứng ra làm một tuyển tập với tên gọi: Một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX, trong đó có Quê hương của nhà thơ Việt kiều Nguyễn Bá Chung.
Quê hương là bài thơ của một người yêu nước mình. Sau ba mươi năm xa cách, bảy lần về thăm lại quê hương, tác giả băn khoăn đi tìm kiếm quê hương như đi tìm ngôi nhà của mình: “Có cái gì lạ không thể quên / Như nỗi nhớ không tên mà gọi / Như nỗi đau không thể làm diệu vợi / Như ngôi nhà vẫn mãi mãi đi tìm”.
Với đoạn kết của Quê hương, ít nhiều Nguyễn Bá Chung đã bày tỏ được tình cảm với nguồn gốc: “Để về đây nhận lại mặt người / Để mình biết mình vẫn là mình cũ / Bao đổi thay thăng trầm thay lớp vỏ / Nhìn quê hương để nhận ra mình”.
Và, Quê hương cũng là một bài thơ đáng chú ý trong hơn hai trăm bài thơ qua Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Bỏ qua những gì còn ảnh hưởng của phong trào thơ mới và cũ, bỏ qua một số câu thơ đọc thì thấy được nhưng vẫn vụng về ở cách diễn đạt, thì Ngõ Hạnh là bài thơ có cái tên rất hay, nhưng hơi tiếc, về cả hình thức và nội dung, vì nó giống như một người đã vạch được hướng đi mà đi không tới: “Mưa bụi trên đỉnh mùa đông / Ông sư trắng áo mình không đi trong mưa ngàn...”. Tứ thơ được mở ra mà không hoặc chưa “gói” lại được. Giá câu kết viết khác đi, giá trị của tứ thơ sẽ được tôn cao thêm.
Sau một quá trình “bỏ qua” như là sự chưa hoàn thiện mà bất cứ nhà thơ nào cũng không tránh khỏi, đáng mừng là thơ Nguyễn Bá Chung vẫn còn nhiều câu thơ, nhiều bài thơ không thể bỏ qua.
Trong Mắt thời gian, ông viết: “Những ưu ái đã bao dung tất cả / Những buồn phiền đã im lặng cưu mang / Thì hề chi số đời đen với đỏ / Thì can gì cơn gió dọc hay ngang...”.
Trong Tuổi dại: “Được cũng mất thua rồi cũng mất / May ra còn khoảng trống trên tay...”. Trong Lễ hội Côn Sơn II: “Trời trong suốt hay ta trong suốt / Bát ngát ngàn lau lạnh ráng chiều...”.
Trong Gởi người: “Người buồn tôi biết người buồn / Còn tôi vui đủ trăm đường đắng cay...”. Hay trong Kinh cầu: “Cửa không vắng tiếng lâu rồi / Câu kinh không chữ gọi người không tên...”. Đó là những câu thơ có tâm sự, có tâm tình, có tâm thế... lúc như chấp nhận, lúc như buông bỏ, lúc như vượt thoát...
Trong những bài thơ trọn vẹn hơn cả, tôi chọn: Xưa nay, Bất chợt, Công án, Chùa quê...
Đó là một Xưa nay đầy trải nghiệm từ trong tâm thức: “Người xưa mộng biết mình mộng / Người nay một nghĩ mình không / Đi khắp thế gian đánh thức thiên hạ / Mộng như mình”. Đó là một Bất chợt khác lạ trên hành trình trở về mình: “Mình là mình phút phụt thôi / Bước qua nửa chớp mình thôi là mình / Người về đốt lại bình minh / Để soi coi thử bóng mình còn không”.
Đó là có một Công án nhuốm màu “ở đây, lúc này” theo chánh niệm của nhà Phật: “Xương da Thích Ca còn ấm / Nụ cười Ca Diếp còn tươi / Nghe từ khói sương sinh diệt / Rêu xanh sợi nắng luân hồi”.
Đó là một Chùa quê nhuần nhụy, vừa uyên áo, vừa sâu xa, mà ở trong đó có nhiều cặp lục bát đáng được đánh dấu khuyên vào đó: “Tu từ sợi cỏ gió lùa / Cây đa đứng ngõ hàng mưa chạy làng... / Tu từ chiếc lá ngô đồng / Tiếng hò ngày gặt, cơn giông cuối mùa... / Tu từ xóm bắc xóm đông / Chuông chùa đổ nhẹ cánh đồng vào thu...”.
Theo tôi, chưa có ai khai thác triệt để sự tu và sử dụng từ “tu” đắc địa trong văn cảnh cụ thể như Nguyễn Bá Chung. Và Chùa quê như được thăng hoa ở hai câu kết, đọc xong rồi thấy lời dứt mà ý chưa dứt: “Ngàn dâu xanh tiếng kệ đưa / Gió lay giấc mộng người khua luân hồi”.
Nhà thơ, dịch giả, nhà bình luận văn chương Nguyễn Bá Chung sinh năm 1949 tại Hải Dương, sau đó được học bổng du học đại học và định cư tại Mỹ từ đó đến nay, góp phần làm cầu nối văn học Việt - Mỹ.