Sáng 10/7, trên Facebook lan truyền clip dài 50 giây quay cảnh hàng chục người dân vây quanh chiếc máy xúc đang tiến vào KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương). Trong tiếng la hét, một phụ nữ áo tím nằm dưới bánh xích sắt.
Trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, đại diện UBND xã Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cho hay, 8h sáng 10/7, trong khi ngăn cản việc giải phóng mặt bằng KCN Cẩm Điền - Lương Điền, bà Lê Thị Châm (54 tuổi, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) bị máy xúc chèn tại cổng dự án thi công khu công nghiệp.
Người dân xúm lại tìm cách đưa bà Châm ra ngoài nhưng không được, phải yêu cầu người điều khiển máy xúc lùi lại. Nạn nhân được đưa tới trạm xá rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho hay, bà Châm bị gãy xương bả vai, mặt xây xát, đã được chụp cắt lớp và không nguy hiểm tính mạng.
Người dân xã Cẩm Điền ngăn cản máy xúc vào thi công. Ảnh cắt từ clip. |
Đầu giờ sáng 10/7, khi thấy máy xúc tiến vào khu đất của VSIP, hàng chục hộ dân đã lao ra cản trở dẫn đến xô xát. Đến 11h cũng ngày, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động ổn định tình hình.
Về clip được lan truyền trên mạng có hình ảnh máy xúc chèn lên người một phụ nữ, Chủ tịch huyện Cẩm Giàng Vũ Hồng Khiêm khẳng định: “Đây là clip ghép”.
Ông Khiêm cho hay, bà Châm ngã vào máy xúc và bị thương ở xương bả vai, đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh.Ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh cũng khẳng định: “Làm gì có chuyện máy xúc chèn qua người dân”. Về clip được lan truyền trên mạng ông Phương cho biết "đang họp nên chưa có thời gian xem".
Thông tin từ Bản quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho hay, Tập đoàn công nghiệp VSIP đã mua lại KCN Cẩm Điền - Lương Điền nằm trên tuyến đường 5 thuộc địa phận 2 xã Lương Điền, Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng.
Ngay khi VSIP tiếp quản, đã có 2 doanh nghiệp nước ngoài cam kết đầu tư vào đây. Đến năm 2008 đã có trên 90% hộ đã nhận tiền đền bù.
Hiện có 56 hộ chưa nhận tiền nhưng có những hộ nhận tiền rồi vẫn ra đòi đền bù 250 triệu đồng/sào. Tỉnh Hải Dương khoanh lại 50 ha làm đường đầy đủ để dân canh tác, nhưng dân không đồng ý.