Đi du lịch, thăm thú đó đây là cách nhiều người chọn để tận hưởng cuộc đời vốn hữu hạn. Và mỗi người lại chọn cho mình những cách khác nhau để cảm nhận cuộc hành trình trọn vẹn nhất.
Đã tới con dốc bên kia của cuộc đời, với tác giả Hoàng Việt Hằng đi, nhìn ngắm và ngẫm ngợi là cách để bà tận hưởng những miền đất lạ. Những trải nghiệm, suy ngẫm và trăn trở đã được tác giả ghi lại đầy cảm xúc trong tập tản văn Giọt người ở mấy vũng mây.
Hoàng Việt Hằng kể câu chuyện dài về nhiều chuyến đi bắt đầu từ những miền đất Phật mà khởi đầu từ quần thể kiến trúc Angkor của Campuchia. Phải tới đây, tác giả mới hiểu tại sao có người tới cuối cuộc đời vẫn ước được đặt chân tới vùng đất linh thiêng này.
Angkor trong tâm trí nhà văn là một thánh địa nguy nga nhưng không tạo cho người ta cảm giác choáng ngợp. Đứng trước những tòa tháp cao hùng vĩ, thật lạ khi lòng cảm thấy bình yên. Bao lo toan, xáo trộn đời thường bỗng nhiên tan biến như làn sương mỏng trước nụ cười của đức Phật trên núi đá. Bất giác, con người ta cũng mỉm cười bỏ mặc hết sân si.
Tập tản văn Giọt người ở mấy vũng mây của cây viết Hoàng Việt Hằng. |
Rời Angkor, Ấn Độ và Nepal là điểm dừng chân tiếp theo của cuộc hành trình. Ở cái tuổi chẳng còn trẻ trung, lại không nói được tiếng Anh, tác giả không khỏi e ngại khi đặt chân đến miền đất lạ. Nhưng cuối cùng bà đã tìm ra một cách độc đáo để giao tiếp với người dân địa phương. Đó chính là những hình vẽ.
Bà vẽ thứ mình muốn lên giấy và đưa cho người dân địa phương xem. Mới đầu tưởng không ăn thua ấy vậy mà cái cách đơn giản đó lại hữu dụng.
Bà có thể tự đi chợ, thăm thú tìm hiểu đó đây chỉ bằng những hình vẽ vội vàng và nụ cười trên môi. Sau “chuyến đi không lời” ấy, Hoàng Việt Hằng chợt nhận ra rằng: không phải tiếng Anh mà chính nụ cười trên môi và tấm lòng rộng mở mới chính là thứ “ngôn ngữ” của cả thế giới.
Dấu chân của người đàn bà trải bao gió bụi đời người không chỉ in hằn trên những vùng đất xa xôi. Nhiều cảnh đẹp của đất nước từ lâu đã được nhà văn thu vào trong tầm mắt. Khi đã nhận ra xê dịch là một cái thú, một thứ đam mê thì không đi tới đâu, cứ ở lỳ một chỗ mới khiến người ta mỏi mệt.
Dường như Hoàng Việt Hằng dành một tình cảm đặc biệt cho vùng núi phía Bắc hùng vĩ của tổ quốc. Từ bản nghèo Tủa Sín Chải của Lai Châu cho tới “thung lũng vàng” ở Mù Căng Chải mỗi mùa lúa chín, nơi đâu cũng in dấu chân người phụ nữ thích phiêu du ấy.
Núi rừng hùng vĩ, mênh mông mà phóng khoáng nên con người nơi đây sống đôn hậu, hồn nhiên như cây cỏ. Người quanh năm sống ở thành phố không khỏi ngạc nhiên khi những ngôi nhà trình tường quanh năm chẳng bao giờ thấy cửa đóng, then cài. Chợ ở đây cũng chẳng bán khóa bởi khi lòng người luôn thành thật, ngay thẳng thì có cần gì đâu!
Ở mỗi vùng đất lại có những con người rất đặc biệt, những người mà dẫu chỉ gặp một lần trong đời cũng khiến ta vương vấn, day dứt.
Đó là chàng trai Mông rất giỏi đi rừng, thuộc đường núi như lòng bàn tay. Hay chàng trai mồ côi bắt cá giỏi như thần, hài lòng với cuộc sống đơn sơ. Đâu đó, đôi mắt đượm buồn của người đàn bà đã bước vào cái tuổi xế bóng, mỗi buổi chiều vẫn ngồi ngóng trông ra hồ Ba Bể.
Sau chặng đường dài mê mải nơi đất lạ, tác giả lại trở về với Hà Nội, mảnh đất thân thương đã cùng bà trải qua bao gió bụi phong sương của đời người. Dưới tán phượng già, Hoàng Việt Hằng trải lòng cùng nỗi đau của vợ người lính phi công năm nào. Chồng hy sinh, chị cố nuốt nước mắt vào trong để tỏ ra mình mạnh mẽ. Để rồi một ngày không thể gắng gượng được nữa, người phụ nữ ấy bật khóc nức nở trên vai một cô gái xa lạ.
Đọc Giọt người ở mấy vũng mây, ta chợt thấy lòng mình lắng lại, yên bình chảy trôi theo mạnh văn chầm chậm mà êm ả của Hoàng Việt Hằng. Trải qua bao cơn phong ba của số phận, buồn vui của kiếp người, nhà văn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt bình thản và bao dung. Cứ mỉm cười, mở rộng lòng mình đón nhận cuộc sống này rồi ta sẽ nhận được hạnh phúc.