Theo Bloomberg, sản lượng dầu của Nga tiếp tục phục hồi trong tháng này nhờ nhu cầu nội địa tăng cao, bù đắp sự sụt giảm nhẹ tại các thị trường xuất khẩu chính.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, từ ngày 1 đến 17/7, các hãng dầu Nga đã bơm ra thị trường trung bình 10,78 triệu thùng/ngày. Dựa trên tính toán của Bloomberg, sản lượng trong giai đoạn này đã tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng 6.
Như vậy, sản lượng dầu của Nga đã ghi nhận chuỗi tăng kéo dài 3 tháng bất chấp các đòn trừng phạt chưa từng có từ phía Mỹ và đồng minh. Phương Tây nhắm vào Moscow sau khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Lượng dầu xuất khẩu của Nga trong năm nay | |||||||
Nguồn dữ liệu: IEA, Kpler, Argus | |||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | |
EU | triệu thùng/ngày | 3.8 | 4 | 3.4 | 3.5 | 3.3 | 2.9 |
Trung Quốc | 1.7 | 1.6 | 1.8 | 1.8 | 2 | 1.8 | |
Ấn Độ | 0.1 | 0.1 | 0.5 | 1 | 1 | 0.8 |
Hưởng lợi từ giá dầu tăng cao
Tình trạng gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá dầu thô toàn cầu tăng 50% trong nửa đầu năm. Điều này khiến kế hoạch trừng phạt của phương Tây phản tác dụng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã vượt 20 tỷ USD trong tháng 6 dù số lô hàng bán sang các thị trường nước ngoài sụt giảm. Nguyên nhân chính là giá dầu thô tăng cao.
Ước tính chỉ ra doanh thu từ dầu trong tháng 6 của Nga đã tăng 700 triệu USD so với tháng trước đó, ngay cả khi xuất khẩu dầu thô và những sản phẩm từ dầu giảm 250.000 thùng xuống 7,4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Dù xuất khẩu dầu thô lao dốc, Nga vẫn hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Theo Bộ Tài chính Nga, trong tháng 6, giá dầu Ural của Nga tăng 10,7% và đạt mức trung bình 87,25 USD/thùng.
Sản lượng dầu thô của Nga đi lên khi các hãng lọc dầu tăng hoạt động nhờ đã thích ứng với những đòn trừng phạt của phương Tây. Tính từ đầu tháng tới nay, nguồn cung cho hoạt động lọc dầu trong nước đạt 5,75 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 6% so với mức trung bình tháng 6.
Trong tháng 7, lượng dầu Nga xuất khẩu sang các thị trường chính qua đường ống và cảng biển vận hành bởi công ty vận tải Transneft PJSC đã giảm gần 4% xuống 4,33 triệu thùng/ngày.
Phương Tây đau đầu chặn nguồn thu của Moscow
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga để chặn nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Nhưng tới nay, Moscow vẫn kiếm được nhiều tiền từ việc xuất khẩu năng lượng.
Ở chiều ngược lại, lạm phát đã gia tăng trên toàn cầu, tạo thêm sức ép cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các lãnh đạo G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đang thảo luận về kế hoạch áp giá trần đối với những sản phẩm thô và dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow, nhưng vẫn không hủy hoại các nền kinh tế khác.
Châu Âu và Mỹ đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu ở mức 40 USD/thùng. Nhưng tôi cho rằng những gì họ nhận được sẽ là 140 USD/thùng
Ông Gal Luft - Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu
"Mức giá trần đối với dầu Nga là một trong các công cụ mạnh mẽ nhất để đối phó với những khó khăn mà người Mỹ và các hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải gánh chịu", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định trước cuộc họp mới đây của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc G20.
"Việc giới hạn giá dầu cũng sẽ chặn nguồn thu mà chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin cần", bà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga còn nhiều bất cập. Theo CNBC, ông Gal Luft - Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu - nhận xét việc Mỹ và G7 muốn áp mức giá trần với dầu Nga là "ý tưởng vô lý".
Ông Luft dự đoán nếu phương Tây áp mức giá trần, Nga sẽ cắt giảm sản lượng và khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu càng trở nên trầm trọng.
"Châu Âu và Mỹ đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu ở mức 40 USD/thùng. Nhưng tôi cho rằng những gì họ nhận được sẽ là 140 USD/thùng", ông Luft cảnh báo.
Trong khi đó, bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây, một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tranh thủ mua dầu thô Nga với giá rẻ. Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5. Nga hiện vượt Saudi Arabia để trở thành quốc gia cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, giới quan sát vẫn đang theo dõi sự phục hồi trong sản xuất dầu của Nga, để đánh giá liệu nước này có thể hỗ trợ cam kết tăng sản lượng của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) trong cuộc họp ngày 3/8 sắp tới hay không.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia tuần trước, giới chức vương quốc này cho biết bất kỳ quyết định nào về dầu mỏ đều phải tuân thủ khung chính sách của liên minh.