Xuất khẩu khí hóa lỏng chủ chốt của Iran đang phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh khi hàng hóa Nga giảm giá hấp dẫn cho khách hàng của họ ở các nước như Afghanistan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mang lại nguồn thu nhập rất cần thiết cho quốc gia Trung Đông này. Nhưng việc buôn bán đang gặp khó khăn khi phương Tây tẩy chay việc Nga xâm lược Ukraine, buộc Moscow phải săn lùng khách hàng mới cho các nguồn tài nguyên của mình, bao gồm cả LPG.
Seyed Hamid Hoseini, Giám đốc liên minh dầu mỏ của Iran chia sẻ với tờ báo địa phương Entekhab: “Chúng tôi đã bán khí đốt hóa lỏng cho Afghanistan và Pakistan với giá khoảng 600-700 USD/tấn”.
Mỏ khí đốt Asaluyeh ở tỉnh Bushehr của Iran (Ảnh: Tala Taslimi) |
Dòng khí đốt rẻ hơn của Nga đổ vào thị trường Trung Đông đã gây áp lực buộc các nhà cung cấp khác trong khu vực như Kazakhstan và Uzbekistan phải giảm giá. Sự biến động cũng kéo dài sang các thị trường xăng dầu và nhiên liệu diesel.
Theo trang web Worldometer, Iran sản xuất 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên khô mỗi năm, trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga. Khoảng 2/3 trong số đó được sử dụng trong nước ở những nơi như nhà ở, nhà máy và các cơ sở cung cấp điện. Phần còn lại được xuất khẩu.
Iran có các hợp đồng bán khí đốt cho Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Pakistan cũng như các hợp đồng hoán đổi khí đốt với Azerbaijan. Nhưng các nhà phân tích cho rằng với tình hình hiện tại, chỉ có Iraq tiếp tục là khách hàng của Iran trong dài hạn.
Theo Majid Chegeni, người đứng đầu Công ty Khí đốt Quốc gia Iran, Iraq đã yêu cầu Iran gia hạn hợp đồng và vẫn mong muốn mua lại từ nước láng giềng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về hợp đồng hàng năm với Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra, với thỏa thuận hiện tại sẽ sớm kết thúc - Chegeni cho biết tại một cuộc họp báo ngày 15/5 bên lề hội chợ thương mại năng lượng lớn ở Tehran.
Lá cờ của Taliban treo tại biên giới Dowqarun giữa Iran và Afghanistan ở tỉnh Razavi Khorasan, Iran, vào tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters) |
Trong một dòng tweet gần đây, nhà báo Iran Seyed Sadegh Hoseini dẫn lời một người trong ngành nói rằng Nga đã thuê các bể chứa khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 năm tới khi nước này chuẩn bị cung cấp khí đốt cho Ankara. Những động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Iran.
Khi được Nikkei hỏi liệu Iran có đang đánh mất các khách hàng như Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan vào tay Nga hay không, Chegeni không phủ nhận. Ông nói: “Mọi quốc gia được tự do đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của mình từ bất cứ nơi nào có hiệu quả hơn và giá cả phải chăng hơn. Họ có thể quyết định xem mình muốn nhập khẩu năng lượng từ quốc gia nào."
Ông nói thêm rằng vấn đề sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của Iran với các quốc gia này và lưu ý rằng Tehran sẽ không cố gắng can thiệp vào việc ra quyết định của họ.
Iran từng đặt nhiều hy vọng vào các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow cũng như kỳ vọng rằng trật tự toàn cầu đang thay đổi có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đó đã bị đình trệ và thay vì nắm bắt cơ hội vàng để chiếm lấy thị trường, Iran hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm giá khí đốt của mình để cạnh tranh với mức chiết khấu của Nga.
Sự cạnh tranh về khí đốt đang làm phức tạp mối quan hệ giữa Iran và Nga. Nga cùng với Trung Quốc, đã đứng về phía Tehran khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA).
Khi Joe Biden thay thế Trump, những nỗ lực nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân đã đạt được động lực mới. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga và Ukraine đã tạo thêm những phức tạp cho các cuộc đàm phán.
Ban đầu, tất cả các bên của JCPOA, bao gồm cả Nga, đều khẳng định rằng các cuộc đàm phán ở Vienna sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Ukraine. Nhưng vào đầu tháng 3, Moscow đã thúc ép Washington đảm bảo rằng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga sẽ không được áp dụng đối với thương mại và đầu tư của nước này với Iran.
Trên thực tế, Nga đang sử dụng thỏa thuận hạt nhân Iran làm đòn bẩy để làm suy yếu các lệnh trừng phạt mà nước này đã nhắm tới. Thông báo duy nhất đó đã gây ra bế tắc trong các cuộc đàm phán trong hai tháng qua.
Enrique Mora, quan chức Liên minh châu Âu làm trung gian giữa Iran và Mỹ, gần đây đã đến thăm Tehran trong một nỗ lực mang lại luồng sinh khí mới cho các cuộc đàm phán ở Vienna. Nhưng trong hai ngày thảo luận, đặc phái viên không thấy tiến triển nào khả quan, trong đó Iran và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc.
Thứ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Ali Bagheri Kani (bên phải) gặp Phó Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Enrique Mora, tại Tehran vào ngày 11/5. (Ảnh: Reuters) |
Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cho biết vào ngày 13/5 rằng quá trình tham vấn của đặc phái viên với các quan chức Iran để phục hồi các cuộc đàm phán ở Vienna đang có tiến triển. Borrell nói phản ứng của Iran là "đủ tích cực".
Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran, đã tweet rằng nếu Hoa Kỳ và EU có ý muốn, "chúng tôi đã sẵn sàng [và] một thỏa thuận đã có sẵn”.
Trong khi đó, đặc phái viên của Nga về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, Mikhail Ulyanov, bày tỏ sự không đồng tình với bất kỳ loại thỏa thuận nào với Mỹ trong một dòng tweet. Ông viết: "Là những người theo chủ nghĩa hiện thực, chúng tôi hiểu rằng không thể mong đợi cuộc đối thoại có kết quả ở #JCPOA. Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga".
Trong những hoàn cảnh khác nhau, Nga có thể giúp đẩy JCPOA về đích. "Nhưng không phải bây giờ"- ông nói.
Sự thất vọng đang gia tăng ở Iran về việc Nga sử dụng Tehran như một con bài thương lượng với phương Tây.
Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân, Iran đã đồng ý xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân thặng dư, bao gồm nước nặng và urania, sang Nga thông qua Oman. Tuy nhiên, một quan chức Iran giấu tên cho biết Nga không chấp nhận giao hàng.
JCPOA cho phép Iran sản xuất những chất này nhưng chỉ giữ lại một phần của chúng. Giờ đây, khi Nga từ chối mua nguyên liệu hạt nhân từ Iran, Mỹ và các bên châu Âu trong JCPOA phải đồng ý về một bên mua mới. Điều đó càng làm tăng thêm khó khăn trong việc đạt được một thỏa thuận ở Vienna.