Bộ chỉ huy quân sự Ukraine hôm 3/7 xác nhận đã ra lệnh cho quân đội rút lui khỏi Lysychansk, nói rằng nếu không sẽ có “hậu quả chết người”.
"Để bảo toàn tính mạng của các binh sĩ Ukraine, một quyết định rút quân đã được đưa ra”, cơ quan này nói.
Thành phố Lysychansk đã trụ vững trong một tuần sau khi Nga giành quyền kiểm soát thành phố láng giềng Sievierodonetsk. Nhưng với ưu thế về pháo binh, Moscow đã dần tiến sâu vào Lysychansk.
Vào đầu ngày 3/7, phía Ukraine bác bỏ những tuyên bố từ Moscow. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Nga chưa kiểm soát hoàn toàn thành phố và giao tranh vẫn diễn ra ở các vùng ngoại ô, dù thừa nhận Ukraine đang ở thế khó.
Nhưng đến tối cùng ngày, ông được cho là đã thừa nhận thành phố thất thủ, theo Guardian.
“Nếu các chỉ huy của quân đội chúng tôi rút quân khỏi các điểm nhất định ở mặt trận, nơi đối thủ có lợi thế lớn nhất về hỏa lực, và điều này cũng áp dụng cho Lysychansk, nó chỉ mang một ý nghĩa - rằng chúng tôi sẽ trở lại với những chiến thuật mới, cùng nhiều vũ khí hiện đại”, ông Zelensky nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 3/7 khẳng định lực lượng của nước này đã giành được thành phố chiến lược Lysychansk và nay kiểm soát toàn bộ Lugansk.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã thông báo diễn biến mới nhất trên với Tổng thống Vladimir Putin, theo TASS.
“Ông Sergei Shoigu đã thông tin tới Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, Tổng thống Vladimir Putin, về việc Cộng hòa Nhân dân Lugansk được giải phóng", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố được các hãng thông tấn Nga công bố ngày 3/7.
"Thành phố song sinh" thất thủ
Hai thành phố Lysychansk và Sievierodonetsk trong nhiều tuần đã trở thành tâm điểm của giao tranh và giằng co từng phần lãnh thổ giữa hai phía. Thành phố Sievierodonetsk đã bị quân đội Nga kiểm soát hoàn toàn hồi cuối tháng 6, khi cả hai bên đều xác nhận việc này.
Thống đốc Lugansk Serhiy Gaidai cho biết thiệt hại ở Lysychansk nặng nề hơn Sievierodonetsk, khi gần như toàn bộ thành phố đã bị phá hủy.
Hạ tầng bị phá hủy ở thành phố Lysychansk được chụp ngày 17/6. Ảnh: Reuters. |
“Nếu ở Sievierodonetsk có những tòa nhà và văn phòng hành chính còn tồn tại sau một tháng giao tranh, thì những công trình tương tự tại Lysychansk đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian ngắn”, ông Gaidai viết trên Telegram hôm 3/7.
Trước khi hai bên tuyên bố về tình trạng ở Lysychansk ngày 3/7, lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk một ngày trước đó nói rằng “chuẩn bị giải phóng Lysychansk trong vài ngày tới”.
Sau khi các binh sĩ Ukraine rút lui, lực lượng Nga đã ở bên ngoài tòa thị chính Lysychansk để chụp hình, hô khẩu hiệu “Lysychansk là của chúng tôi” và vẫy cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.
Việc Nga kiểm soát các thành phố ở Lugansk đã được giới phân tích quân sự phương Tây nhận định là chuyện sớm hay muộn, dù họ chỉ ra rằng Moscow đã tổn thất đáng kể. Sức ép lúc này đặt lên Mỹ và đồng minh với những cam kết chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Tuy vậy, hậu cần quân sự ở Ukraine không phải vấn đề duy nhất với phương Tây. Chiến sự càng kéo dài, những ảnh hưởng kinh tế và sự gắn kết giữa đồng minh sẽ khó được duy trì, theo New York Times.
Tiếp đến là Donetsk
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, với những bước tiến của Nga, nước này sẽ tiến sâu vào thành phố Siversk, Slovyansk và Bakhmut ở Donetsk.
Giao tranh tại miền Đông Ukraine vẫn căng thẳng kể từ khi Moscow dồn lực vào khu vực này.
Nếu Nga kiểm soát Lysychansk, Moscow trên thực tế sẽ kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk. Cùng với tỉnh Donetsk mà lực lượng thân Nga kiểm soát một phần, nước này sẽ chiếm khoảng 75% khu vực Donbas, nơi Nga đặt mục tiêu “giải phóng” toàn bộ Donbas kể từ khi rút quân khỏi Kyiv.
Hai thành phố Lysychansk và Sievierodonetsk trong nhiều tuần đã trở thành tâm điểm của giao tranh và giằng co từng phần lãnh thổ giữa hai phía. Thành phố Sievierodonetsk đã bị quân đội Nga kiểm soát hoàn toàn hồi cuối tháng 6, khi cả hai bên đều xác nhận việc này.
Binh sĩ Ukraine tại một điểm tập kết ở Lysychansk. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố kiểm soát Lysychansk từ Moscow được đưa ra trong bối cảnh hai bên đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng.
Giới chức Slovyansk nói rằng các đợt pháo kích hôm 3/7 đã khiến 6 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Ngoài ra, Thị trưởng Kramatorsk, ông Oleksandr Honcharenko, nói rằng tên lửa đã gây thiệt hại nặng nề cho thành phố, dù không có thương vong về người.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cáo buộc Kyiv bắn tên lửa Tochka-U vào khu vực Belgorod và Kursk ở miền Tây nước Nga. Thị trưởng Belgorod Vyacheslav Gladkov nói rằng ít nhất 4 người thiệt mạng, trong khi ông Konashenkov cho biết hệ thống phòng không đã đánh chặn tên lửa bay tới Kursk.
Nhân tố Belarus
Tổng thống Alexander Lukashenko, đồng minh của Nga, nói rằng Minsk và Moscow đã thành lập “quân đội duy nhất” và Belarus sẽ gắn bó với Nga trong xung đột tại Ukraine.
“Chúng tôi đã và sẽ hành động cùng Nga. Việc chúng tôi tham gia ‘chiến dịch quân sự’ đã được tôi quyết định từ lâu”, hãng thông tấn Belta (Belarus) dẫn lời ông Lukashenko phát biểu trong Quốc khánh nước này ngày 3/7.
Trước đó một ngày, tổng thống Belarus tuyên bố không có quân đội Belarus tham gia chiến đấu tại Ukraine, và Minsk chỉ chiến đấu khi bị gây hấn. Sau đó, ông Lukashenko nói rằng hệ thống phòng không Belarus tuần trước đã đánh chặn tên lửa của Ukraine bắn vào cơ sở quân sự Belarus, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể.
“Chúng tôi đã bị khiêu khích. 3 ngày trước, có thể lâu hơn, họ đã cố tấn công vào cơ sở quân sự trong lãnh thổ Belarus. Nhưng hệ thống phòng không Panzer đã đánh chặn tất cả tên lửa”, ông Lukashenko nói.
Ukraine chưa phản hồi về tuyên bố của ông Lukashenko, song Tổng thống Zelensky đầu tháng 6 cho rằng không có nhiều khả năng xuất hiện một đợt tấn công vào Ukraine từ lãnh thổ Belarus.