Đoạn video được công bố ghi lại khoảnh khắc bom RDS-220 (còn gọi là Tsar Bomba - bom Sa Hoàng) phát nổ trên một quần đảo ở Bắc Băng Dương vào ngày 30/10/1961. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Theo Business Insider, Nga công bố video trên nhằm kỷ niệm 75 năm xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân.
Sức công phá của vụ nổ tương đương 50 megaton, mạnh hơn 1.500 lần hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) cộng lại. Ánh sáng từ vụ nổ có thể nhìn thấy từ khoảng cách hơn 960 km.
Đoạn video dài 40 phút bắt đầu với hình ảnh quả bom được vận chuyển bằng đường sắt đến nơi phát nổ và các bộ phận trong quả bom.
Trước khi kích nổ, 2 chiếc máy bay được điều đến khu vực nổ, một chiếc mang quả bom còn một chiếc dùng để quay phim. Chiếc máy bay chứa quả bom được sơn màu trắng để phản lại sức nóng từ bức xạ nhiệt. Theo BBC, khả năng sống sót của 2 chiếc máy bay chỉ là 50%.
Khi quả bom được thả, một chiếc dù đã bật ra để giữ quả bom ở độ cao mong muốn (3,96 km so với mặt đất). Việc này giúp máy bay có đủ thời gian di chuyển đến vùng an toàn. Trong video cũng có một chiếc đồng hồ được dùng để đếm ngược thời gian kích nổ.
Đám mây hình nấm lớn bốc lên sau khi bom RDS-220 phát nổ. Ảnh: Rosatom. |
Ở phút thứ 22 phút trong video, quả bom phát nổ, theo sau là quả cầu lửa màu cam và đám mây hình nấm. Những chiếc máy bay sau đó đã đến nơi an toàn và nhìn rõ vụ nổ.
Dù không xuất hiện trong video, chấn động từ vụ nổ khiến chiếc máy bay đột ngột giảm độ cao 900 m. Địa hình xung quanh vụ nổ bị san phẳng.
Bom RDS-220 được Liên Xô phát triển để chứng minh sức mạnh vũ khí hạt nhân với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã đích thân giao nhiệm vụ chế tạo quả bom.
Lúc đầu, ông muốn tạo ra quả bom có sức công phá 100 megaton, tuy nhiên do những lo ngại về sức hủy diệt có thể vượt kiểm soát, bom RDS-220 được chế tạo với sức công phá thấp hơn.
Một số tài liệu năm 1994 đã trích lời người quay lại khoảnh khắc bom RDS-220 phát nổ: “dường như nó hút cả Trái Đất vào trong”.
Khu vực bom nổ bị phá hủy. Ảnh: Nuclear Vault/YouTube. |
Trước khi Nga chế tạo và cho phát nổ bom RDS-220, Mỹ là quốc gia dẫn trước khi chế tạo bom Castle Bravo năm 1954 với sức công phá 15 megaton, mạnh nhất lúc bấy giờ.
Để so sánh, bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II có sức công phá 15 kiloton, còn quả bom thả xuống Nagasaki là 21 kiloton.
Sóng xung kích của vụ nổ tương đương trận động đất 5 độ richter, tuy nhiên độ cao của quả bom và điều kiện khí hậu đã giảm tác động của sóng xung kích, thiệt hại của vụ nổ là không lớn.
Cho đến nay, vụ nổ bom RDS-220 do Nga thực hiện vẫn là vụ nổ bom hạt nhân mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến.