Tổ hợp tên lửa phòng không di động S-400 của Nga. Ảnh: defence.pk |
Thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra thống nhất với phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin rằng "các sự cố khác có thể xảy ra và Moscow sẽ có phản ứng thích hợp".
Hệ thống phòng không công nghệ cao S-400 có khả năng bắn hạ phương tiện bay của đối phương trong phạm vi từ 2 tới 400 km, tầm cao từ 5 m đến 56 km. Tên lửa nhanh nhất của hệ thống S-400 có khả năng bay tối đa đạt tới Mach 14, tương đương 17.000 km/h. Nó có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km.
Tuần dương hạm Moskva mà Nga điều tới vùng biển ngoài khơi Latakia, Syria, cũng đã vào vị trí. Soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tương đương S-300, giúp bắn hạ các vật thể bay ở khoảng cách rất xa.
Nga cũng quyết định điều tiêm kích phản lực hộ tống các chiến đấu cơ làm nhiệm vụ ném bom. Trước đó, các máy bay ném bom của Nga thường hoạt động ở không phận Syria mà không có sự yểm trợ. Mosow đặc biệt nhấn mạnh sẽ phá hủy mọi mục tiêu có thể gây nguy hiểm cho khí tài quân sự của Nga.
Ngày 24/11, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24M của Nga với lý do "xâm phạm không phận". Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, một trong hai phi công bị bắn chết khi nhảy dù khỏi phi cơ trúng tên lửa. Ngày 25/11, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Shoygu cho biết, phi công thứ 2 đã thoát khỏi lực lượng vũ trang địa phương. Anh này đang trên đường trở lại căn cứ không quân của Nga.
Moscow khẳng định Su-24 không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và không đe dọa nước này. Tổng thống Vladimir Putin gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "đâm sau lưng" đồng thời cảnh báo sự kiện bi thảm sẽ kéo theo hậu quả đáng kể. Ông Putin cáo buộc giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cố tình hỗ trợ quá trình chuyển đổi Hồi giáo ở đất nước họ. Ông kêu gọi người dân Nga không du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Nga Medvedev ngày 25/11 tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga có thể khiến các dự án chung giữa hai nước bị hủy. Ngoài ra, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất thị phần tại Nga.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại Hạ viện Đức khi đề cập tới tình hình Syria, Thủ tướng Angela Merkel nói việc máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24M của Nga khiến quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria thêm phức tạp.
Bà Merkel nhấn mạnh, mọi việc cần được giải quyết nhằm tránh leo thang căng thẳng. "Tất nhiên mỗi quốc gia đều có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng mặt khác, chúng ta biết tình hình tại Syria và các khu vực xung quanh đang căng thẳng như thế nào. Ngày hôm qua tôi đã nói chuyện với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và hỏi ông ấy cách thức xoa dịu tình hình", thủ tướng Đức nói.