Theo CNN, đây là động thái của chính phủ Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi tấn công Ukraine.
Đợt tịch thu tài sản hàng không lớn chưa từng có khiến AerCap thiệt hại khoảng 2,7 tỷ USD trước thuế trong quý. Thay vì ghi nhận 500 triệu USD lợi nhuận, công ty lỗ ròng khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo của AerCap vẫn tỏ ra lạc quan trước tình hình kinh doanh hiện tại. Họ kỳ vọng nhu cầu di chuyển hàng không sẽ tiếp tục phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch.
Trước khi bị chính quyền Nga phong tỏa tài sản, AerCap đã thu hồi thành công 22 máy bay cùng 3 động cơ. Sau khi công bố báo cáo, cổ phiếu của hãng hàng không có trụ sở tại Dublin đã tăng 6%.
Một nửa đội bay của các hàng không Nga thuê từ công ty nước ngoài. Ảnh: Getty. |
Công ty đã thực hiện các thủ tục bảo hiểm để được bồi thường thiệt hại, một trong những công ty bảo hiểm có khả năng phải chi trả cũng đến từ Nga. Song, các khoản bồi hoàn vẫn chưa chắc chắn về thời gian và số lượng.
AerCap sở hữu tổng cộng 1.624 máy bay, do đó, số lượng máy bay bị Nga thu giữ chỉ chiếm chưa đến 5% giá trị của đội bay. Trong thời kỳ đại dịch, AerCap còn thâu tóm thêm đối thủ GECAS từ General Electric.
Richard Aboulafia - lãnh đạo của AeroDynamic Advisory - cho biết công ty có thể dễ dàng giải quyết các khoản lỗ tài chính này. Nhưng, ngay cả khi chiến tranh kết thúc và lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, những chiếc máy bay này cũng khó quay trở lại hoạt động do đã mất chứng chỉ bay.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, các hãng bay của Nga vận hành 861 máy bay thương mại tính đến thời điểm tấn công Ukraine (24/2). Dẫu vậy, hơn một nửa số máy bay đó, với giá trị thị trường ước tính khoảng 9,2 tỷ USD, thuộc sở hữu của các công ty cho thuê từ phương Tây.
Lệnh trừng phạt của phương Tây đã yêu cầu các hãng cho thuê triệu hồi máy bay vào tháng 3. Song, chỉ khoảng 79 chiếc được thu hồi, số còn lại có nguy cơ bị Nga đưa vào kế hoạch quốc hữu hóa.