“Việc ‘chiếc ghế’ của Nga bỏ trống nói lên nhiều điều: Họ không ở đây trong tòa án của pháp luật, họ đang ở trên chiến trường, phát động một chiến dịch nhằm vào đất nước của tôi”, ông Anton Korynevych, đại diện của Ukraine, tuyên bố.
Ông Korynevych kêu gọi Nga “hạ vũ khí và đưa ra bằng chứng".
Tòa ICJ bày tỏ “lấy làm tiếc” vì Nga không thể tham dự. Đại sứ quán Nga tại Hà Lan - nơi đặt trụ sở của ICJ - không phản hồi câu hỏi của Reuters về vụ việc.
Trụ sở ICJ tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Ukraine đã đâm đơn kiện lên ICJ với cáo buộc Nga áp dụng luật diệt chủng không đúng sự thật để lấy cớ tấn công nước này.
Trong bài phát biểu gửi đến người dân Nga, Tổng thống Vladimir Putin coi “bảo vệ những người bị bắt nạt và diệt chủng” là một trong những mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine. Về phần mình, Kyiv bác bỏ mọi cáo buộc.
Ban điều hành của Hiệp hội Quốc tế Học giả về Tội ác diệt chủng tuyên bố ông Putin đã dùng sai thuật ngữ này. ““Hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy có nạn diệt chủng đang diễn ra ở Ukraine”, bà Melanie O’Brien, Chủ tịch hiệp hội, nói với Reuters.
Dù Moscow không cử đại diện, phiên điều trần vẫn diễn ra theo quy định của ICJ. Các phiên điều trần bắt đầu lúc 10h (giờ Hà Lan, tức 16h giờ Hà Nội). Ukraine được quyền trình bày trước. Theo lịch trình, nếu Nga cử đại diện, họ sẽ được trả lời vào ngày 8/3.
ICJ là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho Liên Hợp Quốc. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.