Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất cơ bản lên 21% nhằm giảm lạm phát. Ảnh: Bloomberg. |
Ngày 26/10 (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo tăng lãi suất chủ chốt thêm 2 điểm % lên mức cao kỷ lục 21%.
Đây là mức lãi suất cao nhất ở Nga kể từ năm 1991. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 2/2022, khi ngân hàng trung ương nước này nâng lãi suất lên mức 20% nhằm hỗ trợ đồng ruble trước những lệnh trừng phạt sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Động thái liên tục nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Nga nằm trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm phát gia tăng khi chính phủ nước này chi tiêu mạnh tay cho quân đội trong bối cảnh giao tranh ở Ukraine ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế và đẩy tiền lương của người lao động lên cao, theo AP.
Trong một thông báo, ngân hàng trung ương Nga cho biết "tăng trưởng nhu cầu trong nước vẫn vượt xa khả năng gia tăng cung hàng hóa và dịch vụ". Thông báo cho hay lạm phát đang cao hơn nhiều so với dự báo mà ngân hàng trung ương đưa ra hồi tháng 7, và các dự báo về lạm phát vẫn tiếp tục tăng lên. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đưa ra khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 12 tới.
Nền kinh tế Nga tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng nhờ doanh thu xuất khẩu dầu tăng mạnh và chi tiêu của chính phủ tăng, phần lớn trong số đó dành cho quân đội khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài sang năm thứ 3.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết lạm phát dự kiến tăng gấp đôi mục tiêu hàng năm là 4% của ngân hàng này và nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương vẫn cam kết đưa lạm phát xuống mức mục tiêu.
Kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,4% trong quý II, với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức 2,4%. Các nhà máy phần lớn đang hoạt động hết công suất, một phần để phục vụ quân đội, và một phần để bù đắp khoảng trống do hàng nhập khẩu từ nước ngoài bị gián đoạn trước các lệnh trừng phạt hoặc do quyết định ngừng kinh doanh ở Nga của các công ty nước ngoài.
Nguồn thu của chính phủ đang được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu dầu khí, bất chấp các lệnh trừng phạt và quy định giá trần 60 USD/thùng mà các nước phương Tây áp đặt đối với dầu của Nga.
Quy định này được áp dụng bằng cách cấm các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển phương Tây xử lý dầu của Nga có giá trên mức trần. Tuy nhiên, Nga đã bố trí đội tàu chở dầu riêng của mình mà không cần bảo hiểm của phương Tây, và nước này đã thu về khoảng 17 tỷ USD doanh thu dầu mỏ vào tháng 7.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xếp hạng Nga là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới dựa trên sức mua tương đương (PPP).
Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" mới công bố, IMF cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga vào năm 2024 chiếm 3,55% GDP toàn cầu theo PPP, vượt qua Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ đóng góp 3,38%.
Theo báo cáo, Nga đứng thứ 4 về PPP sau Trung Quốc (18,8%), Mỹ (15%) và Ấn Độ (7,9%).
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.