Nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên trên thế giới đã được thử nghiệm trên biển vào ngày 28/4, tạp chí khoa học Popular Mechanics cho biết. Dự án do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) làm chủ đầu tư và được gọi là Akademik Lomonosov, theo tên viện sĩ Mikhail Lomonosov (nhà khoa học, nhà văn nổi tiếng của Nga, 1711-1765).
Dự án bắt đầu xây dựng tại nhà máy đóng tàu Sevmash từ năm 2007, hạ thủy vào năm 2010. Nhà máy được lắp trên một xà lan và có thể di chuyển trên biển như một con tàu. Akademik Lomonosov có chiều dài 144 m, rộng 30 m, lượng choán nước 21.500 tấn, thủy thủ đoàn 69 người.
Tàu đang được kéo từ St. Petersburg đến Murmansk, thành phố lớn nhất nằm trên vòng Bắc Cực để tiếp nhiên liệu cho 2 lò phản ứng hạt nhân. Sau đó, tàu sẽ di chuyển đến thị trấn Pevek, nằm trên vịnh Chaunskaya, một phần của vùng biển phía đông Siberia vào năm 2019, nơi nhà máy sẽ cung cấp điện cho khoảng 100.000 dân tại đây.
Tàu Akademik Lomonosov. Ảnh: Rosatom. |
Akademik Lomonosov sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên trên thế giới cung cấp điện cho mục đích thương mại, giải quyết bài toán cung cấp điện năng cho những khu vực xa xôi trên biển. Theo Rosatom, nhà máy được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân có công suất 70 MW. Công suất này tương đương 7% so với các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Mỹ.
Ý tưởng sử dụng lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển để cung cấp điện cho đất liền không phải là mới. Hải quân Mỹ từng sử dụng một tàu ngầm hạt nhân để cung cấp điện cho đảo Kauai, sau khi một cơn bão lớn phá hỏng hệ thống điện ở quần đảo Hawaii vào năm 1982.
Tổ chức Hòa bình Xanh dùng cụm từ “Chernobyl trên băng” để mô tả những lo ngại của họ về nhà máy điện hạt nhân di động Akademik Lomonosov. Tổ chức này cho rằng các lò phản ứng hạt nhân trên tàu sẽ gây hại cho môi trường. Hoạt động của nhà máy rất khó để giám sát.
Họ chỉ ra các bằng chứng về thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 và hậu quả của nó vẫn còn đến ngày hôm nay. 32 năm trôi qua sau thảm họa, người dân vẫn không thể sinh sống trong bán kính gần 29 km từ nhà máy. Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 khiến hơn 100.000 người phải di tản, rất nhiều người vẫn chưa thể trở về nơi sinh sống, là một lời cảnh báo khác.
Dale Klein, người đứng đầu Ủy ban Điều tiết hạt nhân dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết thiết kế một lò phản ứng hạt nhân hoạt động an toàn trên biển không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là hệ thống ngăn chặn rò rỉ phóng xạ khi xảy ra sự cố. Ông Klein bày tỏ những lo ngại về an toàn của lò phản ứng hạt nhân di động do Nga chế tạo.
Ông cũng chỉ ra những nguy cơ mất an ninh khi con tàu cập cảng dân sự và không được bảo vệ như tàu chiến. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lo ngại của Dale Klein giống như một "thuyết âm mưu".
Lò phản ứng hạt nhân di động đã được sử dụng trên thế giới hơn 60 năm qua, khi tàu ngầm hạt nhân USS Nautilus thực hiện chuyến đi biển đầu tiên vào năm 1955. Hải quân Mỹ đang vận hành hơn 80 tàu chiến sử dụng lò phản ứng hạt nhân, gồm tàu sân bay và tàu ngầm.
Hải quân Nga cũng vận hành nhiều tàu ngầm và tàu phá băng sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Hải quân Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ đều có tàu ngầm hạt nhân. Nhiều vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân đã xảy ra và chỉ những người trên tàu chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Các vụ tai nạn thường xảy ra trên biển và ở những khu vực không có dân cư nên ảnh hưởng xấu đến môi trường vẫn chưa có báo cáo rõ ràng. Việc sử dụng một nhà máy điện hạt nhân di động gần khu dân cư cần được nghiên cứu kỹ về khả năng đảm bảo an toàn.