Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/9 thông báo, Nga và Mỹ đã đạt được nhất trí về dự thảo Nghị quyết tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria. Theo kế hoạch, sáng 28/9 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc họp kín nhằm tham vấn về văn kiện này.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, dự thảo Nghị quyết đề cập khả năng Hội đồng bảo an đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad trong trường hợp kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học không được tôn trọng.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc lấy mẫu vũ khí hóa học tại Syria. |
Nếu nghị quyết được bỏ phiếu thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Hội đồng bảo an thông qua một văn kiện như thế về Syria kể từ khi cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này bùng phát hồi đầu năm 2011. Nga và Trung Quốc nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết đối với các dự thảo nghị quyết lên án chính quyền Tổng thống al-Assad.
Liên quan đến vũ khí hóa học của Syria, Tổng thống al-Assad ngày 26/9 một lần nữa khẳng định cam kết tiêu hủy kho vũ khí hóa học, trong bối cảnh Nga và các nước phương Tây đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận liên quan tới Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Venezuela Télésur, Tổng thống Assad khẳng định, Syria cam kết tôn trọng mọi công ước đã ký và sẽ không gây bất kỳ trở ngại nào cho việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học. Theo ông Assad, tiến trình này có thể kéo dài ít nhất 1 năm.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn đang tập trung sự chú ý vào các cuộc thảo luận tại Liên Hiệp Quốc liên quan tới một Nghi quyết áp đặt khuôn khổ cho quá trình giải giáp vũ khí hóa học tại Syria. Các nhà ngoại giao phương Tây khẳng định, 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) đã đạt được nhất trí về các điểm chính của nghị quyết.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/9, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc bắt đầu các cuộc điều tra mới về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Kết quả cuộc điều tra tiến hành hồi tháng trước cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng trên quy mô lớn gần Thủ đô Damascus, song không đưa ra kết luận về bên phải chịu trách nhiệm.
Cùng với Pháp và Anh, chính quyền Mỹ tới nay vẫn khẳng định quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột, trong khi Nga khẳng định phe đối lập mới là bên phải chịu trách nhiệm. Theo một quan chức Liên Hiệp Quốc, cuộc điều tra sẽ được tiến hành nhanh chóng và các chuyên gia có thể sẽ ở lại Syria trong vài ngày.