Nga - Mỹ 'leo thang' chiến tranh lạnh kiểu mới
Phe đối lập Nga đang lên kế hoạch tuần hành để thúc giục việc bãi bỏ đạo luật cấm người Mỹ nhận con nuôi nước này.
Giới chức Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi ông ký ban hành luật cấm các gia đình Mỹ nhận nuôi trẻ em Nga hôm 28/12.
Ngoài nội dung trên, đạo luật còn cấm nhập cảnh và phong tỏa tài khoản đối với những người Mỹ nào bị xem là vi phạm các quyền của công dân Nga, cấm những tổ chức chính trị phi chính phủ nhận viện trợ Mỹ để hoạt động chính trị trên lãnh thổ Nga, và cấm công dân Mỹ làm việc cho các tổ chức này ở Nga.
Đạo luật Dima Yakovlev nói trên được xem là động thái trả đũa Đạo luật Magnitsky mà Mỹ ban hành gần đây, theo đó áp đặt các biện pháp trừng phạt những người Nga nào bị xem là vi phạm nhân quyền. Dù vậy, các quan chức Mỹ cho rằng, 2 đạo luật này không có gì tương đồng và hành động trả đũa của Nga là “hoàn toàn vô căn cứ”. Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington lấy làm tiếc trước việc Moscow thông qua đạo luật chấm dứt việc nhận con nuôi giữa hai nước, và coi đây là hành động “mang động cơ chính trị”.
Bác sỹ Kratov được tha bổng hôm 28/12. |
Theo hãng tin AP, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thậm chí còn gọi luật nói trên, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, là “đáng xấu hổ”. Ông tuyên bố: “Đạo luật của chúng tôi là nhằm vào một số cá nhân quan chức Nga đang bị tha hóa và vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, việc cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga là hành động trừng phạt nhằm vào những thành viên vô tội và ít có khả năng tự vệ nhất trong xã hội chúng ta”.
Tại Nga, đạo luật Dima Yakovlev cũng vấp phải không ít chỉ trích. Phe đối lập Nga đang lên kế hoạch tuần hành để thúc giục việc bãi bỏ luật nói trên và giải tán lưỡng viện quốc hội. Ông Sergei Udaltsov, thủ lĩnh Mặt trận Cánh tả đối lập, hôm 29/12 cho hãng tin RIA Novosti biết, một nhóm nhà hoạt động đã đệ đơn xin nhà chức trách Moscow cho phép họ tổ chức cuộc tuần hành vào ngày 13/1/2013 với hy vọng thu hút được khoảng 20.000 người tham gia.
Trong một diễn biến có thể khiến tranh cãi Nga - Mỹ leo thang, một tòa án Nga hôm 28/12 đã tha bổng bác sĩ Dmitry Kratov, người duy nhất bị xét xử trong vụ luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky chết trong nhà tù Butyrka ở Moscow 3 năm trước. Cái chết của ông Magnitsky đã dẫn đến việc Mỹ ban hành đạo luật mang tên ông nói trên.
Ủy ban Helsinki của Mỹ cho rằng 60 quan chức Nga có dính líu đến cái chết của ông Magnitsky, nhưng chỉ có bác sĩ Kratov, người đứng đầu bộ phận y tế tại nhà tù Butyrka, bị đưa ra xét xử. Ông Kratov đã bị buộc tội sơ suất khi từ chối cho ông Magnitsky được điều trị một căn bệnh đe dọa đến tính mạng.
Chuyên gia về Nga Stephen Cohen nhận định rằng, những động thái trả đũa qua lại nói trên đang đẩy Nga và Mỹ vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Phát biểu với kênh truyền hình Russia Today hôm 29/12, ông Cohen, giáo sư tại các trường đại học New York và Princeton, cho rằng chính sách lâu nay của Washington đối với Moscow là nguyên nhân khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng. Theo ông, quá trình “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ đã “chết”, và chính quyền Obama chưa bao giờ thực sự muốn hợp tác với Moscow, mà chỉ thúc đẩy những chính sách đã thực hiện trong 20 năm qua.
Theo Người Lao Động