Người Malaysia yêu mến HLV Tan Cheng-Hoe và gọi thứ bóng đá của ông là “Cheng-Hoe ball”, một bản copy của “Sarriball”, HLV của CLB Chelsea. Và thứ bóng đá ấy đã khiến không ít người hâm mộ Việt Nam lo ngại, nhất là khi Malaysia đã loại Thái Lan ở bán kết, và gỡ hòa 2-2 trước Việt Nam ở Bukit Jalil sau khi đã bị dẫn trước rất sớm.
Nhưng ở Mỹ Đình, trong trận chung kết lượt về, HLV Park đã giải thiêng “Cheng-Hoe ball” bằng toan tính chặt chẽ, cách chỉ đạo nhịp nhàng và uyển chuyển vô cùng.
Phải nhìn nhận vào thực tế là Malaysia là đội bóng chơi kỷ luật chiến thuật, bài bản bậc nhất ở AFF Cup lần này. Họ chủ trương kiểm soát bóng, phát triển từ tuyến dưới và tập trung khai thác vào khu vực hành lang trong (half space) bằng tốc độ, các đường xẻ trực diện và cả ưu thế thể lực, thể hình của những cầu thủ chơi ở biên.
Lối chơi ấy đã phát huy tác dụng rất nhiều từ đầu mùa giải đến giờ và đa số các bàn thắng của Malaysia đều xuất phát từ khu vực ấy. Nếu không trực tiếp khoét được vào khoảng trống ở hành lang trong mà đối thủ để trống, Malaysia cũng có thể kiếm được những pha đá phạt ở điểm đá phạt quanh đó.
Không có khe hở cho Malaysia
Và chính tuyển Việt Nam cũng đã phải nhận một bàn thua trước họ ở trận chung kết lượt đi từ một pha dàn xếp đá phạt như thế. Nhưng HLV Park Hang-seo đã giải thiêng lối đá nguy hiểm ấy của Malaysia ngay tại Mỹ Đình.
Khu vực hành lang trong (half space) đã được các trung vệ và những cầu thủ chạy cánh của tuyển Việt Nam kiểm soát rất chặt.
Tuyển Việt Nam giành chiến thắng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
Không có một khe hở nào để Malaysia có thể khai thác được khu vực thế mạnh của họ khi Đoàn Văn Hậu, Trọng Hoàng đã liên lạc rất tốt với Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh để tạo nên một bức tường thực sự.
Malaysia chỉ có đúng 2 đường căng bóng vào vòng 16,5 m của Việt Nam trong cả trận đấu nhưng hệ thống phòng ngự của chúng ta đã hóa giải rất tốt và không để lặp lại bất kỳ một sai lầm nào cho phép đối thủ có thêm cơ hội.
Việc Malaysia phải sử dụng các đường tạt sớm đã cho thấy họ bế tắc ra sao trong việc khoét xuống hai biên của Việt Nam ở Mỹ Đình. Trong khi đó, việc tuyển Việt Nam chú trọng gia tăng sức ép ở biên trái cũng đã khiến mối liên lạc giữa Sayzwan và Sumareh đã gần như bị cắt đứt.
Điều đó khiến niềm hi vọng lớn của HLV Tan Cheng-Hoe là Sumareh đã không thể phát huy tác dụng ở trận lượt về, đặc biệt khi hàng thủ tuyển Việt Nam đã có một trận chơi vô cùng tỉnh táo, nhất là ở vị trí của Quế Ngọc Hải và Đình Trọng.
Và cũng chính trong một lần khoét vào vị trí biên trái, Việt Nam đã có bàn thắng sớm. Nói về bàn thắng này, chúng ta chỉ có thể dùng một từ duy nhất là “đỉnh”. Ở một không gian rất hẹp, Quang Hải thể hiện một đẳng cấp vượt ra ngoài tầm khu vực với cú tạt bóng đòi hỏi độ dẻo, độ nhạy, độ tinh tế kinh khủng.
Và khi cả hàng thủ của Malaysia bị cuốn về phía góc của Quang Hải, Văn Hậu và Văn Đức, cú bắt vô-lê của Anh Đức cũng tuyệt vời không kém. Độ dẻo của cầu thủ được coi là hàng lão tướng của tuyển Việt Nam lúc này cho thấy chỉ có thời gian mới kiểm chứng được độ bền.
Anh Đức là người ghi bàn duy nhất trong trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Thuận Thắng. |
Những điều chỉnh kịp thời
Cũng ở thời điểm Việt Nam có bàn thắng ấy, ông Park Hang-seo đã vô cùng uyển chuyển trên băng ghế chỉ đạo. Không thể phủ nhận được rằng cầu thủ của chúng ta quá “máu”, quá hưng phấn. Chính vì lẽ đó, ở đầu hiệp một tuyển Việt Nam chơi hơi mạo hiểm, có khả năng sẽ bị cuốn vào nhịp chơi nhanh mà Tan Cheng-Hoe mong muốn.
Song, ông Park Hang-seo muốn các cầu thủ phải thắng chứ không phải là hiếu thắng. Những điều chỉnh kịp thời của ông đã giúp các cầu thủ điềm tĩnh trở lại, chơi bình tĩnh hơn, cầm bóng chắc hơn để tránh rơi vào bẫy mà ông Tan Cheng-Hoe mong muốn.
Nhưng trong ánh sáng của ngôi vô địch đợi chờ sau 10 năm, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng vẫn còn đọng lại những nhược điểm khác nữa ngoài sự nóng vội mà các cầu thủ thể hiện ở đầu hiệp 1. Đó chính là độ chính xác trong các đường chuyền của các tiền vệ trung tâm.
Rõ ràng, nhiệm vụ lớn nhất của tiền vệ trung tâm phải là chuyền bóng với độ chuẩn xác cao. Có thể, sức ép của trận chung kết, của chức vô địch chờ đợi bao lâu đã khiến họ thiếu độ bình tĩnh vốn có.
Sau 10 năm chờ đợi, bóng đá Việt Nam lại lên ngôi đỉnh Đông Nam Á. Ảnh: Thuận Thắng. |
Nhưng sau AFF Cup là gì? Chúng ta còn Asian Cup ở đầu năm 2019, còn vòng loại World Cup, những thách thức lớn hơn, cần độ chính xác lớn hơn. Tất nhiên đó sẽ là câu chuyện của tương lai sắp tới.
Còn bây giờ là lúc chúc mừng và tạ ơn tất cả tập thể tuyển Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta phải tưởng thưởng và ngả mũ trước HLV Park Hang-Seo, người đàn ông từng run rẩy nép sau cabinet khi tuyển Việt Nam đá ở vòng chung kết U23 châu Á ngày nào.
Ông đã giải thiêng “Cheng-Hoe ball” thành công ở Mỹ Đình để bắt đầu một danh hiệu cho mình, một danh hiệu khẳng định “đây chính là một thế hệ vàng”.