Hậu quả sau một cuộc không kích vào ngày 20/11. Ảnh: North Press Agency. |
"Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ có sự kiềm chế nhất định để ngăn chặn leo thang căng thẳng không chỉ ở các khu vực phía bắc và đông bắc Syria mà toàn bộ đất nước. Chúng tôi cần tiếp tục làm việc với các bên liên quan và tìm ra giải pháp đúng đắn”, TASS dẫn lời Đặc phái viên của Nga về vấn đề Syria Alexander Lavrentiev nói với phóng viên trước khi bắt đầu cuộc họp ở Astana.
"Trong vài tháng qua, kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo ý định tiến hành một chiến dịch (ở Syria), Nga đã làm mọi thứ có thể để ngăn điều này xảy ra. Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế sử dụng vũ lực quá mức trên lãnh thổ Syria”, ông Lavrentiev nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 21/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để ngỏ khả năng đưa lực lượng trên bộ vào lãnh thổ Syria để đối đầu với dân quân người Kurd, theo Reuters.
“(Chiến dịch) sẽ không giới hạn ở trên không”, ông Erdogan nói. “Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu sẽ cùng quyết định quy mô tham gia của lực lượng trên bộ. Chúng tôi sẽ tham vấn và theo đó triển khai”.
Hôm 20/11, Ankara đã thực hiện các cuộc không kích mang tên “chiến dịch Claw-Sword”, nhằm vào căn cứ của dân quân người Kurd trên khắp miền Bắc Syria và Iraq - lực lượng mà họ cho là hỗ trợ khủng bố, theo AFP.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã tiêu diệt 184 phần tử khủng bố trong hai ngày diễn ra chiến dịch không kích "Claw-Sword".
Một ngày sau đó, lực lượng người Kurd bị nghi phóng tên lửa vào thị trấn Karkamis của Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. 5 quả tên lửa đã được phóng và một trong số đó đã bắn trúng một trường học, khiến 6 người bị thương.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...