Nga đang giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu và khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD trên toàn thế giới.
Số tiền này giúp Moscow chống đỡ trước các lệnh trừng phạt. Dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao cùng tình trạng thiếu hụt, gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất. Theo ước tính của chính phủ và các nhà kinh tế, nền kinh tế Nga đang trên đà giảm hơn 10% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991.
Các quan chức chính phủ bắt đầu bày tỏ lo ngại về cái giá của việc cố gắng kích thích nền kinh tế trong khi hỗ trợ cho “chiến dịch quân sự" ở Ukraine, theo Wall Street Journal.
Moscow đang cấp tiền cho các gia đình có trẻ em, phụ nữ mang thai, nhân viên chính phủ và hưu trí. Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết chi tiêu liên bang trong năm nay sẽ cao hơn so với ước tính trước cuộc xung đột khoảng 12%, đẩy ngân sách vào thâm hụt.
Tuy nhiên, sự kích thích đó có thể củng cố sự ủng hộ đối với Điện Kremlin và “chiến dịch quân sự" ở Ukraine, giúp Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các lệnh trừng phạt thực chất đang gây tổn hại cho phương Tây nhiều hơn Nga.
Nga đang triển khai các chương trình kích thích nền kinh tế trong khi duy trì “chiến dịch quân sự" ở Ukraine. Ảnh: AP. |
Biện pháp của Moscow
Khi cuộc xung đột nổ ra, hóa đơn hàng hóa của Evgeniya Berezovskaya (32 tuổi) tăng tới 30%, buộc bà mẹ ba con phải cắt giảm việc mua món tráng miệng và đồ ngọt.
Ngay sau đó, Moscow đã thúc đẩy khoản “thanh toán bổ sung" và gia đình Berezovskaya có con cả 12 tuổi nhận được thêm 1.100-14.000 ruble/tháng, tương đương khoảng 260 USD.
Đó là một phần của kế hoạch gửi tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp.
“Đó chắc chắn là điều cần thiết”, Berezovskaya nói. "Luôn luôn có các chi phí thêm cho trẻ em".
Trước đó, Berezovskaya và chồng, Ilya, cùng quản lý một câu lạc bộ giáo dục bổ túc cho trẻ em ở St. Họ vẫn nhận được trợ cấp 225-263 USD/tháng cho hai đứa con nhỏ 3 và 4 tuổi khác.
Moscow đã thúc đẩy các chương trình kích thích kinh tế, hứa hẹn sẽ “hoàn thành mọi nghĩa vụ xã hội của nhà nước, đồng thời đưa ra cơ chế mới, hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân”. Chính phủ đã tăng mức lương tối thiểu lên 10% và tăng lương hưu gần 20%.
Trang web của Điện Kremlin thậm chí có một danh mục tìm kiếm có tên “Chống trừng phạt”, chứa khoảng 70 mục, bao gồm các sắc lệnh của Tổng thống Putin và các bài phát biểu về phản ứng của chính phủ đối với lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Nga cũng đang nhận được tài trợ của chính phủ hoặc các khoản hỗ trợ khác, như khoản vay được trợ cấp, bảo vệ khỏi phá sản hoặc quyền tạm ngừng đóng phí bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Moscow đang bồi thường cho các hãng hàng không khi doanh thu bị thiệt hại vì lệnh cấm bay.
Moscow đã thúc đẩy các chương trình kích thích kinh tế, tăng mức lương tối thiểu lên 10% và tăng lương hưu gần 20%. Ảnh: AP. |
“Biện pháp này giúp giữ lưu lượng khách trên các hãng hàng không nội địa ở mức như năm ngoái và bảo đảm công dân Nga vẫn có thể di chuyển bằng đường hàng không với giá cả phải chăng”, Rosaviatsiya - Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga - cho biết.
Không chỉ vậy, các nhà phát triển dự án bất động sản có thể được trợ cấp tài chính. Những đơn vị không thể hoàn thành việc xây dựng vì thiếu nguồn cung cấp nhiên vật liệu không bị phạt và được bảo vệ khỏi phá sản.
“Cú sốc vẫn chưa kết thúc. Nhưng xu hướng này là tích cực”, Maria Gribova, Giám đốc SV-Palmira, một công ty tư vấn xây dựng và bất động sản ở St.Petersburg, cho biết.
Giữ vững niềm tin
Mặc dù vẫn kiếm được một tỷ USD/ ngày nhờ việc bán dầu và khí đốt tự nhiên, ngân sách của Nga đang phải gánh khoản chi lớn từ chi tiêu xã hội và “chiến dịch quân sự".
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách ở mức 2% GDP vào năm 2022. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Mikhail Mishustin dự báo thặng dư ngân sách năm 2022 của Liên bang Nga bằng “0”.
“Chúng ta cần một động lực mới để hỗ trợ nền kinh tế trước lệnh trừng phạt. Tất cả điều này đều đòi hỏi những khoản chi tiền tệ lớn”, ông Siluanov nói. “Chính phủ nên tiếp cận một cách thận trọng với bất cứ yêu cầu chi tiêu bổ sung nào”.
Cũng Theo Thủ tướng Mikhail Mishustin, chi tiêu của chính phủ Nga đã tăng 25% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế giảm vì nền kinh tế yếu kém hơn.
Chính phủ Nga đã khai thác Quỹ Tài sản Quốc gia - một quỹ dành khi gặp khó khăn mà Moscow đã tích lũy từ các khoản thu dầu mỏ và khí tự nhiên trong quá khứ - để thúc đẩy nền kinh tế.
Moscow dường như cũng đang có những động thái nhằm tăng nguồn thu nhập từ sản xuất năng lượng. Hôm 1/7, Nga đã nắm quyền kiểm soát tập đoàn quốc tế đứng sau dự án khổng lồ về dầu khí tự nhiên Sakhalin-2. Một ngày trước đó, tập đoàn Gazprom do nhà nước kiểm soát cho biết họ sẽ không chia cổ tức hàng năm cho các nhà đầu tư.
Nga đã nắm quyền kiểm soát tập đoàn quốc tế đứng sau dự án khổng lồ về dầu khí tự nhiên Sakhalin-2. Ảnh: Reuters. |
Trong một bài phát biểu hồi tháng 6, ông Putin cho biết lạm phát đạt đỉnh 17,8% nhưng đã giảm xuống 16,7%.
“Ngay cả con số này cũng là quá nhiều đối với chúng ta - 16,7% là lạm phát cao”, ông nói. “Chúng tôi phải và sẽ làm việc về vấn đề này. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được một kết quả khả quan”.
Theo Cơ quan Thống kê Nga, vào tháng 5, sản lượng sản xuất đã giảm trong hai tháng liên tiếp. Hoạt động sản xuất ôtô giảm xuống chỉ còn hơn 1/3 so với một năm trước.
Dù vậy, những nỗ lực của chính phủ đối với bảo đảm cuộc sống của người dân đã giúp duy trì niềm tin vào nền kinh tế.
Một cuộc thăm dò vào tháng 6 của Trung tâm Levada ở Moscow cho thấy số người Nga tin rằng “chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất” đã tăng từ 16% lên 28% kể từ tháng 3. Nhưng số người cho rằng tình hình xấu đi giảm từ 54% xuống 48%.
Galina Alekseeva, 58 tuổi, một bác sĩ đã nghỉ hưu ở thành phố Ulan-Ude, Đông Siberia, cho biết trước cảnh chi phí hàng hóa tăng cao, bà cảm thấy “biết ơn” vì mức lương hưu cũng tăng lên.