ECHR là cơ quan có nhiệm vụ giải thích và thực thi Công ước châu Âu về Nhân quyền. Toàn bộ thành viên Ủy hội châu Âu, tổ chức mà Nga tham gia cho đến hôm 15/3, cũng đồng thời là thành viên của công ước.
Theo đạo luật, các phán quyết của ECHR chống lại Nga được đưa ra sau ngày 15/3 sẽ không được thực thi. Trong khi đó, các khoản bồi thường dựa trên phán quyết của ECHR sẽ chỉ được chi trả bằng đồng ruble, tới các tài khoản tại ngân hàng Nga.
Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga sẽ được phép chi trả các khoản tiền dựa trên quyết định của ECHR tới ngày 1/1/2023.
Trụ sở Tòa án Nhân quyền châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: Ủy hội châu Âu. |
Trước khi được trình lên Tổng thống Putin, đạo luật trên đã được các nghị sĩ tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua hôm 7/6 với chỉ một nghị sĩ bỏ phiếu chống.
Hôm 15/3, Hội đồng nghị viện của Ủy hội châu Âu đưa ra quan điểm về việc Nga không thể tiếp tục là thành viên của tổ chức này - động thái có thể dẫn đến việc trục xuất Moscow.
Ngay sau đó, chính phủ Nga thông báo ý định rút khỏi Ủy hội châu Âu tới Tổng thư ký Marija Pejčinović Burić với cáo buộc Liên minh châu ÂU (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “làm suy yếu” Ủy hội châu Âu.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Nga Sergei Stepashin, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nga, tuyên bố nước này sẽ thiết lập một tòa án nhân quyền khác để thay thế ECHR, theo Moscow Times.
Tòa án này sẽ có thẩm quyền trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) hoặc khối BRICS (gồm năm quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), ông Stepashin cho biết.