Nga đe dọa tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO
Nga cảnh báo, nước này sẽ thực hiện các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ba Lan và Romani nếu như hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay đánh chặn được NATO triển khai ở khu vực Đông Âu.
>>Triều Tiên hoàn tất công tác chuẩn bị thử hạt nhân lần ba
>>Các phương án bắn hạ vệ tinh Triều Tiên của Nhật Bản
Tướng Nikolai Makarov, chỉ huy quân sự cấp cao Nga cảnh báo NATO, nếu hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ được triển khai, Nga sẽ sử dụng các hành động quân sự để chống lại. “Một quyết định dùng lực lượng vũ trang để phá hoại sẽ được ưu tiên sử dụng nếu tình hình tiếp tục xấu đi”, tướng Makarov khẳng định.
Tên lửa tấn công tầm ngắn Iskander của Nga. |
Đây không phải lần đầu tiên vị quan chức quân sự cấp cao của Nga đe dọa tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Mỹ luôn khẳng định hệ thống này nhằm bảo vệ các đồng minh châu Âu của Washington khỏi sự đe dọa tấn công của Iran hay Triều Tiên. Tuy nhiên, Mátxcơva cho rằng, hệ thống tên lửa được triển khai ngay sát biên giới Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với quốc gia này.
Tướng Makarov khẳng định, Nga sẽ triển khai các biện pháp nhằm chống lại NATO trong đó có việc triển khai tên lửa tầm ngắn tại Iskander ở Kaliningrad, khu vực gần biên giới Ba Lan. Động thái này đã làm gia tăng những căng thẳng quân sự tồi tệ nhất kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.
“Việc triển khai hệ thống vũ khí tấn công mới ở phía Nam và Tây Bắc Liên bang Nga, bao gồm cả hệ thống tên lửa Iskander ở Kaliningrad là một trong những tùy chọn của chúng tôi để phá hủy cơ sở hạ tầng của hệ thống tên lửa phòng châu Âu”, ông Makarov nói.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Nga nhận định, khi giai đoạn thứ ba và thứ tư của hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ được triển khai vào cuối thập niên này, nó đủ khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo Liên lục địa của Nga và trở thành mối nguy thực sự đối với đất nước.
Về phía Mỹ, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết trong chuyến thăm Lithuania, kế hoạch triển khai hệ thống tên lưa tấn công của Nga tại Kaliningrad là “cái cớ để có sự hiện diện quân sự ở phần này của thế giới”.
Tuy nhiên, đường lối cứng rắn từ phía Nga cùng với sự kiên quyết của Mỹ và NATO có thể thổi bùng lên một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Trong khi đó, nước Nga đang ở giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Medeved sắp mãn nhiệm và tân Tổng thống Vladimir Putin nên chính sách ngoại giao của đất nước cũng đang có phần thay đổi.
Được xem là người kiên cường với bàn tay thép, Vladimir Putin, cựu điệp viên KGB đồng thời là đương kim thủ tướng, người sắp trở thành tổng thống nước Nga nhiệm kì 3 chắn chắn sẽ khiến kế hoạch của Mỹ và đồng minh gặp không ít sóng gió để có thể trở thành hiện thực.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn