Các nhà khoa học vừa đưa vào vận hành một trong những kính viễn vọng không gian dưới nước lớn nhất trên thế giới ở hồ Baikal. Kính viễn vọng này được bắt đầu xây dựng từ năm 2015 với nhiệm vụ giúp các nhà khoa học quan sát các hạt Neutrino - phần tử nhỏ nhất trong vũ trụ từng được ghi nhận cho đến nay, theo AFP.
Với tên gọi Baikal-GVD, kính thiên văn này được đặt ở độ sâu từ 750 m đến 1.300 m, cách bờ hồ Baikal khoảng 4 km. Đài quan sát nổi bao gồm các chuỗi các module kính hình cầu cố định vào khung được làm từ thép không rỉ. Các module này được đưa xuống vùng nước đóng băng ở hồ Baikal một cách cận thận vào hôm 13/3.
Các nhà khoa học bên một module kính thiên văn Baikal-GVD. Ảnh: News Inforseries. |
Dmitry Naumov, nhà nghiên cứu thuộc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân cho biết: “Kính thiên văn Baikal-GVD có khả năng dò 0,5 km3, đang nằm ngay bên dưới bề mặt đóng băng của hồ Baikal. Trong một vài năm tới, kính thiên văn này sẽ được mở rộng để dò được tới 1 km3".
Kính thiên văn này được kỳ vọng sẽ sánh ngang với đài quan sát Ice Cube của Mỹ ở Nam Cực.
Các nhà khoa học Nga cho biết kính thiên văn Baikal-GVD hiện là máy dò hạt Neutrino lớn nhất Bắc Bán Cầu và hồ Baikal - hồ nước ngọt lớn nhất thế giới - là nơi lý tưởng để đặt đài quan sát vì các hạt Neutrino dễ được phát hiện và quan sát hơn trong môi trường nước.
Bair Shoibonov, nhà nghiên cứu thuộc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân cho biết: “Baikal là hồ duy nhất mà bạn có thể triển khai kính viễn vọng neutrino vì nhiều lý do, bao gồm độ sâu phù hợp, độ trong của nước cũng như có lớp băng bao phủ hồ”.
Kính thiên văn Baikal-GVD là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học từ Cộng hòa Czech, Đức, Ba Lan, Nga và Slovakia.