"Kế hoạch này xuất phát từ thực tế Mỹ vẫn không dừng lại sau những gì mà họ đã đạt được và tiếp tục cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm việc triển khai ở châu Âu. Đó là lý do vì sao, điều chú trọng đặc biệt trong quá trình phát triển tên lửa mới là vấn đề vượt qua lá chắn phòng thủ đó", Tass dẫn lời ông Karakayev phát biểu ngày 10/5.
Theo ông Karakayev, Nga đang tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện khả năng xuyên thủng lá chắn của Mỹ. Điều này được thực hiện bằng cách rút ngắn thời gian tăng tốc tên lửa ICBM, sử dụng các loại đầu đạn có đường bay khó đoán cùng các phương tiện mới có khả năng vượt qua lá chắn tên lửa. Tên lửa của Nga cũng có khả năng cung cấp đầu đạn thông qua quỹ đạo tối ưu năng lượng và phản công từ nhiều hướng.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-36M rời silo phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Sputnik |
Vị tư lệnh đồng thời khẳng định các mối đe doạ từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu không làm giảm khả năng chiến đấu của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, bởi tên lửa Nga liên tục được nâng cấp.
Trước đó, hãng tin Sputnik ngày 8/5 dẫn nguồn tin kênh truyền hình Zvezda cho biết, quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat sẽ bắt đầu từ mùa hè 2016. Đây là loại ICBM mới nhất của Nga được trang bị những công nghệ tinh vi nhất và có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Sarmat thuộc loại tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng. Quá trình phát triển RS-28 được bắt đầu từ năm 2009, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018. ICBM Sarmat được thiết kế để thay thế ICBM RS-36M (NATO định danh SS-18 Satan).
Thông số kỹ thuật của tên lửa Sarmat đang được bảo mật, nhưng một số nguồn tin dự đoán, tên lửa có trọng lượng khoảng 100 tấn, tầm bắn ước tính 10.000 km, có thể mang theo tải trọng từ 4-10 tấn. Tên lửa sẽ được phóng từ các silo trong lòng đất.