“Chúng tôi công nhận các nhà nước. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã công nhận tất cả các tài liệu cơ bản của họ, bao gồm cả hiến pháp, trong đó có nêu rõ biên giới”, ông nói, theo Guardian.
Đường biên giới được Nga công nhận là phần "lãnh thổ" mà phe ly khai tuyên bố trong "hiến pháp" của họ từ trước khi Moscow công nhận nên độc lập của 2 khu vực này.
Việc này đồng nghĩa là Nga đã công nhận độc lập cho một diện tích rộng gấp 3 lần khu vực phe ly khai thực tế chiếm đóng được. (Vùng bị chiếm đóng rộng khoảng 17.000 km2). Ngoài vùng bị phe ly khai kiểm soát, đường biên giới Nga công nhận bao gồm các khu vực đang do chính phủ Ukraine kiểm soát, như khu cảng chiến lược Mariupol ở biển Azov.
Điều này làm gia tăng lo ngại rằng Nga sẽ sớm tấn công toàn diện vào nước láng giềng.
Các nước phương Tây cho rằng Nga có thể sử dụng các tuyên bố lãnh thổ của vùng ly khai làm cớ để tấn công vào nhiều khu vực của Ukraine hơn, với lý do họ đang bảo vệ lợi ích của các “quốc gia” do Nga hậu thuẫn ở Donetsk và Luhansk.
Một tay súng bắn tỉa của Nga tham gia tập trận tại dãy Kadamovsky, vùng Rostov. Ảnh: Reuters. |
Ông Putin đã ngừng phản bác các cáo buộc Nga sắp tấn công Ukraine, nhưng để ngỏ khả năng đàm phán với Kyiv.
“Chúng tôi mong đợi và tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả vấn đề nan giải sẽ được giải quyết trong quá trình đàm phán giữa chính phủ Kyiv hiện tại và ban lãnh đạo của chính phủ mới”, ông nói.
Tuy nhiên, Kyiv luôn từ chối việc đàm phán trực tiếp với "chính phủ" các vùng lãnh thổ do Nga hậu thuẫn, nói rằng họ muốn nói chuyện trực tiếp với Moscow.
Trước đó, tối 21/2, ông Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk - hai thành phố do phe ly khai kiểm soát tại Donbas của Ukraine.
Vài giờ sau khi tổng thống ký "hiệp ước hữu nghị" với hai khu vực ly khai, ông ra lệnh cho quân đội Nga triển khai hoạt động mà Moscow gọi là "gìn giữ hòa bình" ở các khu vực này.
Đứng trước các động thái của Nga, Mỹ và một số nước châu Âu ngày 22/2 đã công bố biện pháp trừng phạt kinh tế, ban đầu là nhắm vào 2 vùng ly khai, tiếp đến là nhắm vào Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng ngoại giao.