Nga chế tạo tàu vũ trụ mới chu du trong không gian
Tập đoàn tên lửa không gian Nga Energia đã hoàn tất việc thiết kế loại tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, có thể đưa con người bay đến mặt trăng và những nơi khác trong vũ trụ bao la.
Vitaly Lopota, Chủ tịch tập đoàn Energia hôm qua cho biết, mẫu tàu vũ trụ mới sẽ được ra mắt vào năm 2017. Giành được hợp đồng thiết kế loại tàu vũ trụ mới với Chính phủ Nga trong tháng 4/2009, Energia nhanh chóng bắt tay vào công đoạn tạo kiểu dáng cho mẫu phi thuyền mới của Cơ quan không gian Nga.
Một trong những thế hệ tàu vũ trụ tiếp theo của Nga. |
“Chúng tôi đã hoàn thành dự án, với những thiết kế kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu đưa con người bay tới mặt trăng và những nơi khác trong vũ trụ bao la”, ông Lapota cho biết.
Trước đó, ông Vladimir Popovkin, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Roscosmos cũng tiết lộ, thế hệ tàu vũ trụ mới của Nga sẽ được ra mắt trong năm 2018, không chỉ đảm trách nhiệm vụ đưa con người tới Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) mà còn đủ sức đưa các phi hành gia đến mặt trăng và quay trở lại trái đất.
Tuy nhiên, để thực hiện được 2 nhiệm vụ đưa con người lên ISS hoặc lên mặt trăng, tàu vũ trụ thế hệ mới của Nga cần phải thực hiện một số thay đổi. Ngoài ra, tàu vũ trụ thế hệ mới của Nga cũng dễ dàng giúp con người tới sửa chữa các vệ tinh bị hỏng hóc, dọn dẹp những mảnh rác vệ tinh kích cỡ lớn trong không gian hay thậm chí là hỗ trợ sửa chữa hỏng hóc của các tàu vũ trụ khác.
Các nhà chức trách Nga cũng nhận định, việc chế tạo thế hệ tàu vũ trụ mới không thể dựa vào một tập đoàn riêng lẻ mà cần sự gộp sức của tất cả các “ông lớn” trong ngành công nghiệp chinh phục không gian Nga. Tuy nhiên, một công ty điều hành duy nhất sẽ được các nhà chức trách Nga thành lập nhằm chỉ đạo toàn bộ quá trình chế tạo tàu vũ trụ thế hệ mới.
Trên thực tế, Nga đang tập trung mạnh vào việc cải thiện và nâng cấp ngành công nghiệp vũ trụ, sau hàng loạt sự cố phóng đáng tiếc hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Trong mùa hè vừa qua, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã ra lệnh cho Chính phủ lên kế hoạch cải tổ ngành công nghiệp vũ trụ, sau hàng loạt vụ phóng bất thành, trong đó có sự cố đối với tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt, trị giá 170 triệu USD.
Không chỉ gây thiệt hại về tiền và của, những vụ phóng thất bại làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh cường quốc không gian của nước Nga. Tuy việc đưa người và hàng hóa lên ISS vẫn do đội tàu vũ trụ Nga đảm trách nhưng công nghệ của người Nga đang ngày càng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của nhân loại.
Hồng Duy
Theo Infonet