“Không quân Mỹ có hai lựa chọn khi hoạt động phía trên Biển Baltic: Họ không bay gần biên giới của chúng tôi, hoặc bật máy phát đáp để các radar của chúng tôi có thể nhận dạng”, Konashenkov nói.
Trước đó một chiến đấu cơ Su-27 của Nga áp sát một phi cơ do thám RC-135U của Mỹ trong không phận quốc tế phía trên Biển Baltic hôm 29/4 do phi công Mỹ không bật máy phát đáp.
Một phi cơ trinh sát RC-135U của Không quân Mỹ. Ảnh: airwar.ru |
“Phi cơ do thám RC-135U thường xuyên tới gần biên giới Nga mà không bật máy phát đáp. Hệ thống phòng không của chúng tôi buộc phải điều các chiến đấu cơ để nhận dạng máy bay lạ”, Konashenkov giải thích.
Chiếc Su-27 thực hiện động tác lượn xoắn theo trục và bay cách phi cơ Mỹ khoảng 7,5 m. Lầu Năm Góc dùng từ "nguy hiểm" và "không chuyên nghiệp" để mô tả hành động của máy bay Nga. Tuy nhiên, tướng Konashenkov khẳng định mọi hành động của Nga đều tuân thủ luật pháp quốc tế về sử dụng không phận.
Hôm 14/4, một phi cơ Su-27 của Nga cũng thực hiện cú lượn xoắn ngay sát một máy bay do thám Mỹ. Trong hai ngày 11 và 12/4, một số phi cơ Su-24 của Nga áp sát chiến hạm Donald Cook của Mỹ.
Frants Klintsevich, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, tuyên bố rằng những cú áp sát của chiến đấu cơ Nga thể hiện một mục đích rõ ràng: Cảnh báo kế hoạch đưa thêm binh sĩ tới Đông Âu của NATO.
Konashenkov cho rằng Mỹ tăng cường những chuyến bay do thám để chuẩn bị cho việc đưa thêm 4 đơn vị quân sự tới vùng Baltic.
Moscow tỏ ra bất bình trước việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga. Theo một thỏa thuận giữa Nga và NATO vào năm 1997, NATO không được phép triển khai lực lượng quân sự lớn gần biên giới Nga. Nhưng các quan chức NATO khẳng định những lực lượng quân sự của họ gần biên giới Nga sắp luân chuyển vị trí nên những đợt di chuyển lực lượng không phải là động thái tăng cường hiện diện.