"Sự xuất hiện của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong khu vực có thể kích động một cuộc chạy đua vũ khí ở Đông Bắc Á và làm phức tạp việc giải quyết các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Xét ở phạm vi rộng hơn, động thái này có thể làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực từ hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ tới an ninh và ổn định trên thế giới", AFP dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng có thể bị lên án mạnh mẽ nhưng cáo buộc Washington đang tận dụng cơ hội này để triển khai hệ thống tên lửa.
Phía Mỹ khẳng định việc triển khai hệ thống THAAD là biện pháp cần thiết để ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trung Quốc cho rằng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa sẽ làm giảm sự ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Bình Nhưỡng khẳng định động thái này là một chiến thuật Chiến tranh Lạnh để "kiềm chế" Trung Quốc và Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: AFP |
Quan chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc xác nhận tuần trước hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực đầu cuối tầm cao THAAD để đối phó với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gần đây.
Hệ thống THAAD, hoạt động từ năm 2008, bao gồm các bệ phóng đặt trên xe tải, radar, tên lửa đánh chặn và kết nối liên lạc toàn cầu.
Ngày 7/2, truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vụ việc vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và cho rằng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn để bàn về vụ phóng và gia tăng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng.