Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

New York đối đầu Uber, đòi giới hạn ôtô và tăng thù lao tài xế

Thành phố New York đối mặt hai cuộc chiến pháp lý với Uber và Lyft khi nỗ lực siết chặt quản lý nhằm đối phó tình trạng ùn tắc giao thông và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Thị trưởng New York Bill de Blasio năm 2018 đã phê duyệt quy định giới hạn số phương tiện Uber tại thành phố. New York là thành phố lớn đầu tiên tại Mỹ đưa ra biện pháp giới hạn sức tăng trưởng của công ty vận tải công nghệ này.

Theo New York Times, thị trưởng thành phố tuần qua đã bày tỏ ý định gia hạn quy định trên. Động thái này đã châm ngồi một cuộc chiến pháp lý giữa Uber với chính quyền thành phố.

New York doi dau Uber anh 1
Thị trưởng Blasio từng tìm cách giới hạn số phương tiện Uber năm 2015 nhưng không thành công. Ảnh: Getty.

Đối đầu hai "gã khổng lồ" công nghệ

Trong đơn kiện được Uber nộp cho tòa án vào tuần trước, công ty này cho rằng lệnh giới hạn sẽ gây tổn hại đến người dân New York dựa vào ứng dụng vận tải. Những người sống ngoài khu trung tâm Manhattan không tiếp cận được nhiều phương tiện giao thông công cộng và xem Uber là phương án đi lại kinh tế.

Đơn kiện chỉ trích biện pháp của thành phố là "thiếu trách nhiệm và không hợp lý".

Trong khi đó, Thị trưởng Blasio cho rằng các quy định về giới hạn số phương tiện và nâng mức thù lao cho tài xế Uber là cần thiết.

"Thực tế là Uber khiến tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng, đồng thời họ trả cho tài xế số thù lao thấp hơn mức thu nhập cần để trang tải cuộc sống", Seth Stein, người phát ngôn của thị trưởng New York, cho biết.

Giống nhiều thành phố khác trên thế giới, New York đang tìm cách đối phó với sự tăng trưởng nhanh đến chóng mặt của ngành vận tải công nghệ. Số phương tiện gia tăng dẫn đến các lo ngại về ùn tắc giao thông, điều kiện làm việc của tài xế, tình trạng thất thu của taxi truyền thống còn những phương tiện giao thông công cộng thì mất hành khách.

Lyft đã khởi kiện các luật tăng thù lao cho tài xế tại New York lên hơn 17 USD/giờ. Công ty này cho rằng các quy định thù lao tạo lợi thế không bình đẳng cho đối thủ Uber, vốn có quy mô thị phần và mức sử dụng của người dùng cao hơn. 

Đơn kiện của Lyft đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các tài xế hợp tác với ứng dụng này, trong đó có cả ủy viên hội đồng thành phố Brad Lander. Trước làn sóng phản đối, Lyft đã tuyên bố sẽ tuân thủ mức sàn thù lao mới trong thời gian tòa án xem xét đơn kiện.

New York doi dau Uber anh 2
Thị trưởng New York Bill de Blasio. Ảnh: WCBS.

Uber tràn ngập New York

Cuộc chiến pháp lý xảy ra giữa giai đoạn quan trọng trong tham vọng phát triển của Uber. Công ty trị giá khoảng 120 tỷ USD đang tăng tốc để chuyển thành công ty đại chúng (bán cổ phần để huy động thêm các khoản vốn lớn).

Uber có thể trở thành công ty công nghệ lớn nhất từng phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Ứng dụng vận tải Lyft, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Uber, cũng đang nuôi tham vọng chuyển thành công ty đại chúng.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại ông Bill de Blasio hành động quá cứng rắn và có thể gây tổn hại đến hình ảnh trung tâm công nghệ của New York.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến giữa New York với Uber không tập trung vào khía cạnh công nghệ, mà chủ yếu tác động đến hoạt động giao thông của thành phố.

"Chúng ta không sợ bị dán mác là bài xích công nghệ. Về dài hạn, vấn đề chúng ta cần giải quyết là cách quản lý tăng trưởng, chứ không phải rui ro xua đuổi cơ hội tăng trưởng chỉ với một chút cứng rắn và vài quy định pháp luật", Nicole Gelinas, chuyên gia tại Viện Manhattan, nhận định.

Số phương tiện vận tải cho thuê của thành phố từ 60.000 xe vào năm 2015 đã tăng vượt mức 100.000 xe. Trong khi Uber và những công ty với mô hình kinh tế chia sẻ ngày một ăn nên làm ra, không phải tất cả tài xế của họ cũng được "chia sẻ" thành quả.

Khoảng 40% tài xế có thu nhập quá thấp đến mức phải đăng ký chương trình bảo hiểm y tế Medicaid. Trong khi đó, gần 18% tài xế phải đăng ký nhận tem phiếu trợ cấp thực phẩm, theo thống kê của Ủy ban Taxi và Limousine thành phố New York.

New York doi dau Uber anh 3
Trong khi Uber và Lyft nở rộ tại New York, mức thù lao của nhiều tài xế hợp tác với các công ty này lại không được cải thiện. Ảnh: New York Times.

Lệnh giới hạn dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng một năm. Trong thời gian này, chính quyền thành phố sẽ nghiên cứu về sự phổ biến của hình thức chia sẻ phương tiện giao thông. Khi lệnh giới hạn hết hiệu lực, giới chức New York sẽ xét lại số phương tiện được cấp phép tham gia mô hình vận tải và quyết định cách thức quản lý.

Theo cựu quan chức New York Bruce Schaller, cả Uber và Lyft đều khẳng định tôn trọng các chính sách công nhưng các đơn kiện lại cho thấy ưu tiên hàng đầu của họ là lợi nhuận. Những gã khổng lồ trong ngành vận tải công nghệ đang gặp thách thức lớn khi tìm cách cân bằng giữa lợi nhuận và hình ảnh với công chúng.

Schaller nhận định đơn kiện tuần qua là bằng chứng cho thấy Uber đã chọn bảo vệ ưu tiên hàng đầu của họ thay vì hình ảnh với công chúng.

"Uber đúng là đã cố gắng "chơi đẹp" kể từ khi thay đổi bộ máy quản lý khoảng một năm trước. Họ đang ngày một tiến gần đến mục tiêu IPO. Tuy nhiên, khởi kiện thành phố lớn nhất nước thì có vẻ không phải là chơi đẹp nữa", Schaller bình luận.

Lương thấp, giáo viên Mỹ kiếm việc làm thêm để đủ sống

Giáo viên Mỹ giờ vừa giảng dạy, vừa đi bán sách, lái Uber và làm huấn luyện viên thể thao. Họ vắt kiệt sức lực để kiếm đủ tiền sống trong lúc lương ngày càng thấp.

TQ thắt chặt quản lý taxi công nghệ sau 2 vụ hành khách bị sát hại

Trung Quốc cam kết thắt chặt giám sát đối với ngành giao thông vận tải sau vụ hành khách của ứng dụng gọi xe Didi Chuxing bị cưỡng hiếp và sát hại gây chấn động dư luận.




Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm