“Tôi không trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam chỉ vì sự sa ngã của người khác”, Lê Công Vinh đã viết điều đó trong một chương dành riêng để nói về Phạm Văn Quyến trong cuốn tự truyện của mình.
Nhiều năm sau ngày họ cùng sát cánh trên hàng công U23 Việt Nam, luôn tồn tại quan điểm Lê Công Vinh chỉ thăng hoa, trở thành số một sau sự sa ngã của Văn Quyến. Sự thật có phải như vậy?
Mối liên hệ giữa Văn Quyến (trái) và Công Vinh (phải) là tranh cãi bất tận trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Công Vinh thi đấu thế nào khi Văn Quyến còn tỏa sáng?
Muốn hiểu về mối liên hệ giữa Công Vinh và Văn Quyến, phải xoay ngược kim đồng hồ trở về thời điểm tháng 11/2003, khi giải giao hữu JVC Cup tổ chức ở Mỹ Đình, Hà Nội.
Đây là giải đấu khởi động cho U23 Việt Nam trước thềm SEA Games 22. Văn Quyến khi ấy là ngôi sao số một của U23 Việt Nam chuẩn bị dự giải, còn Công Vinh vẫn chưa lên đội một SLNA, thuộc đội hình CLB xứ Nghệ dự giải. Ý đồ của những nhà tổ chức là biến JVC Cup thành kỳ tập dượt cho U23 Việt Nam trước thềm SEA Games trên sân nhà.
Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra không như mong đợi. Đội U23 chịu thua đối thủ Perak (đội hai năm liền vô địch Malaysia thời điểm ấy), biến chung kết trở thành cuộc đối đầu của SLNA và đối thủ này. Lê Công Vinh khi đó 18 tuổi, sắp bị SLNA chuyển tới Huế theo dạng cho mượn.
Trước cơ hội cuối cùng, tiền đạo này ghi 4 bàn trong đó có cú đúp vào lưới Perak ở chung kết, đưa SLNA tới ngôi vô địch. Giải đấu khép lại, Công Vinh giành cú đúp danh hiệu gồm Vua phá lưới, Cầu thủ hay nhất đồng thời được triệu tập bổ sung vào danh sách U23 Việt Nam dự SEA Games.
Bộ tứ Công Vinh, Văn Quyến, Nguyễn Anh Đức và Phan Thanh Bình ở U23 Việt Nam năm xưa. Ảnh: Bạch Dương. |
Giai đoạn 2003-2005 chứng kiến Công Vinh và Văn Quyến sát cánh cùng nhau tại U23 và SLNA.
SEA Games 2003 ở Việt Nam, Văn Quyến lập công 4 lần trong đó có 2 bàn vào lưới Thái Lan, 2 bàn vào lưới Malaysia. Giải năm ấy, Công Vinh dự bị, chỉ có một bàn trước U23 Lào. Thành tích ấy cộng siêu trình diễn tại vòng loại World Cup với đỉnh cao là bàn thắng vào lưới Hàn Quốc giúp Văn Quyến giành Quả bóng vàng 2003.
Một năm sau, HLV Edson Tavares từ chối gọi Văn Quyến lên tuyển quốc gia dự AFF Cup. Giải đấu đó, tuyển Việt Nam bị loại từ vòng bảng, Công Vinh ghi 4 bàn vào lưới Campuchia và Lào trước khi giành Quả bóng vàng 2004.
Năm 2005, họ lần đầu tiên đá chính cùng nhau ở một kỳ SEA Games. Văn Quyến 3 lần mở tỷ số cho U23 Việt Nam trước Singapore, Lào và Malaysia, khép lại giải đấu với 5 bàn. Công Vinh cũng có 4 bàn lần lượt vào lưới Lào và Malaysia.
Sau SEA Games năm ấy, bê bối bối bán độ khiến sự nghiệp của họ rẽ theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau.
Văn Quyến ăn mừng bàn thắng lịch sử vào lưới tuyển Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup 2004 hồi năm 2003. Hàn Quốc khi ấy có nhiều cầu thủ giành hạng 4 thế giới ở World Cup 2002. |
Họ nói gì về Văn Quyến, Công Vinh?
HLV trưởng SLNA thời kỳ ấy, người đã đưa Văn Quyến, Công Vinh lên đội một đồng thời trực tiếp làm việc cùng họ ở U23 Việt Nam dưới vai trò trợ lý Alfred Riedl, chia sẻ với Zing: “Công Vinh có cố gắng nhưng nếu nói năng khiếu đặc biệt ở thời điểm đó thì Văn Quyến mới là người đặc biệt. Đó là người mà khi đã ra sân đá thì khắp cả nước, đi sân nào, người ta cũng xem đông như Công Phượng, còn hơn Công Phượng bây giờ”.
“Tuy thể hình thấp nhưng Văn Quyến rất khéo, sút bóng tốt. Cậu ta hạ thủ môn Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2004 trên sân Oman. Năm đó, chúng ta lấy đội U23 làm nòng cốt thi đấu vòng loại Asian Cup”, ông Vinh nhớ lại.
Một HLV khác từng gắn bó với Văn Quyến, Công Vinh là ông Mai Đức Chung cho rằng: “Văn Quyến rất khéo, di chuyển khôn ngoan nhưng phải cái lười. Bóng đá hiện đại thì phải tranh cướp, tiền đạo là người phòng ngự đầu tiên. Ngày đó, tôi cũng làm việc với Văn Quyến cùng HLV Riedl. Tuy vậy, khi có bóng, Văn Quyến trở nên nguy hiểm, cực kỳ kỹ thuật và lợi hại. Công Vinh cũng có quả đi bóng và sút tốt nhưng lực sút của Vinh không mạnh”.
Điều Văn Quyến không có lại là thứ Công Vinh luôn cố gắng mài giũa. Nhiều năm, Công Vinh luôn được xem là mẫu cầu thủ tích cực di chuyển, tham gia hỗ trợ phòng ngự nhiều. Chiều ngược lại, nhiều HLV tỏ ra không ưa Văn Quyến vì tính cách có phần lười biếng của cầu thủ này.
HLV Alfred Riedl hai lần giành HCB SEA Games với Văn Quyến là ngôi sao sáng nhất trong đội hình. Ảnh: Minh Chiến. |
Ba HLV ngoại là Christian Letard, Dido (Edson Silva), Edson Tavares đều từ chối gọi Văn Quyến vào tuyển quốc gia cùng với lý do lười biếng, thể lực kém. Trong số này, quyết định loại Văn Quyến khỏi danh sách dự AFF Cup 2004 của Tavares gây tranh cãi hơn cả. Khi ấy, Quyến đang là người hùng của bóng đá Việt Nam, ở đỉnh cao phong độ và mới giúp U23 Việt Nam giành HCB SEA Games một năm trước đó.
Điểm chung của 3 HLV này là họ đều thất bại thảm hại. U23 của ông Dido bị loại từ vòng bảng SEA Games 2001, Letard bị sa thải sau vài tháng còn Tavares cũng dừng bước ở vòng bảng AFF Cup 2004.
Ngược lại, 2 HLV trọng dụng Văn Quyến trong thời kỳ này đều có thành tích. Henrique Calisto giành hạng ba AFF Cup 2002 với Văn Quyến trên ghế dự bị. Alfred Riedl có 2 HCB SEA Games với Văn Quyến là đầu tàu.
Bản thân Công Vinh từng viết về Văn Quyến: “Tôi giành Quả bóng vàng đầu tiên vào năm 2004, năm 19 tuổi, chỉ một năm sau khi anh Quyến giành danh hiệu này. Khi anh còn thi đấu, tôi vẫn được các HLV cho đá chính và chúng tôi đã tạo thành một cặp song sát. Tôi đâu có ngồi dự bị và chờ khi anh trượt ngã mới có cơ hội. Tôi không trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam chỉ vì sự sa ngã của người khác”.
“Với tôi, anh thực sự là đàn anh, người truyền cảm hứng tuyệt vời. Và sự nghiệp của tôi không bao giờ thoát khỏi những so sánh với anh. Tôi chấp nhận chuyện đó, và tôi xem sự so sánh ấy là động lực để vươn lên”.
Công Vinh là một trong 5 huyền thoại bóng đá Đông Nam Á
Trong bài viết mới đây của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), Lê Công Vinh là cái tên duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong nhóm 5 huyền thoại Đông Nam Á. AFC giới thiệu Công Vinh là người ghi bàn trong cả 2 lượt chung kết lượt đi và về AFF Cup 2008, giúp Việt Nam lên ngôi vô địch, đồng thời ca ngợi anh với tư cách chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử tuyển Việt Nam.
Bốn cái tên còn lại đều ngôi sao lẫy lừng của bóng đá khu vực gồm Neil Etherigde (Philippines), Soh Chin Aun (Malaysia), Kiatisak Senamuang (Thái Lan) và Bambang Pamungkas (Indonesia).