Khi thiết bị của bạn chạy chậm, hỏng hóc, hay bắt đầu có dấu hiệu ì ạch, thay thế là điều không thể tránh khỏi. Dưới đây là những dấu hiệu lớn cho thấy đã đến lúc nâng cấp chiếc điện thoại Android của bạn lên một thiết bị mới tốt hơn, theo tổng hợp của trang Makeuseof.
Pin tụt quá nhanh
Nếu bạn là một con nghiện smartphone, có lẽ bạn từng rơi vào cảnh pin điện thoại tụt xuống dưới vạch đỏ. Có khá nhiều cách để tăng thời lượng pin trên Android, nhưng nếu bạn để ý thấy pin chiếc điện thoại của mình không còn "trâu bò" như xưa nữa, có lẽ mọi thứ đã hơi quá muộn.
Lý do của việc này đơn thuần chỉ là hiệu ứng hóa học mà thôi. Qua thời gian, các thành phần hóa học trong pin bắt đầu xuống cấp, có nghĩa chúng sẽ lưu được ngày càng ít điện năng hơn. Sau vài trăm chu kỳ sạc (khoảng 1 hoặc 2 năm), pin sẽ mất đi khoảng 1/5 hoặc hơn khả năng lưu điện.
Pin tụt quá nhanh là lý do tại sao bạn nên tránh sạc pin xuyên đêm để hạn chế số lần sạc không cần thiết. |
Đó là lý do tại sao bạn nên tránh sạc pin xuyên đêm để hạn chế số lần sạc không cần thiết.
Nếu pin không còn khả năng lưu điện như trước nữa, nhưng bạn vẫn sử dụng thiết bị như "chưa hề có cuộc chia ly", bạn sẽ ngay lập tức để ý thấy vấn đề. Thay vì suốt ngày đi tìm ổ điện, những con nghiện smartphone nên suy nghĩ về việc lên đời điện thoại có pin "khủng" hơn. Pin mới luôn bền bỉ hơn, đó là sự thật không thể chối cãi.
Tốc độ xử lý quá chậm chạp
Sử dụng một chiếc điện thoại hay tablet đủ lâu, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác máy ì ạch. Chẳng ai muốn ngồi đợi chiếc smartphone của mình xử lý một tác vụ nào đó một cách quá chậm chạp cả. Mở ứng dụng có thể mất đến cả phút, và thao tác chạm của bạn cũng có cảm giác bị "lag".
Có nhiều lý do tại sao điện thoại lại chậm dần đi, và trong nhiều trường hợp, tuổi đời của chiếc smartphone đóng vai trò không nhỏ. Nâng cấp Android lên phiên bản cao hơn (nếu bạn may mắn nhận được cập nhật) có thể "lợi bất cập hại" vì hệ thống mới thường đòi hỏi nhiều tài nguyên hệ thống hơn, bao gồm cả RAM và CPU. Các ứng dụng mới cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự, đặc biệt nếu chúng thuộc dạng "ăn tài nguyên". Các game Android mới nhất hiện nay cũng không phải ngoại lệ.
Càng nhiều ứng dụng tiêu tốn tài nguyên khi chạy nền, điện thoại càng chậm đi. |
Một vấn đề khác có thể là số lượng ứng dụng chạy nền quá nhiều. Càng nhiều ứng dụng tiêu tốn tài nguyên khi chạy nền, điện thoại càng chậm đi. Bạn có thể giải quyết vấn đề bằng cách đóng bớt các ứng dụng thường xuyên hơn, nhưng tất nhiên đó là trong trường hợp các ứng dụng đang chạy nền đó không mấy hữu dụng với bạn.
Thay thế điện thoại sẽ giúp bạn có thêm nhiều tài nguyên để phần mềm điện thoại có thể chạy mượt mà, dù đó là bản thân hệ điều hành Android hay các ứng dụng bạn đã cài đặt.
Hệ thống không được cập nhật, hoặc bản cập nhật đã lỗi thời
Mỗi năm, vào tháng 9, Google lại tung ra một phiên bản Android mới. Từ Cupcake đến Pie, hệ điều hành Android ngày càng được tích hợp thêm vô vàn các tính năng mới. Và tất nhiên, cái giá phải trả là nhu cầu về tài nguyên của nó cũng tăng cao.
Tuy nhiên, chiếc smartphone của bạn sẽ không nhận được cập nhật mãi mãi. Nếu bạn mua một chiếc smartphone cao cấp như dòng Samsung Galaxy chẳng hạn, bạn có thể nhận được một (hoặc đôi lúc là hai) lần cập nhật lên phiên bản Android mới. Và không phải nhà sản xuất nào cũng "có tâm", có nghĩa là trong trường hợp kém may mắn, chiếc điện thoại của bạn sẽ… hết đát ngay khi bạn vừa sắm nó xong.
Còn bảo mật thì sao? Một khi điện thoại đã hết đát, nhà sản xuất cũng sẽ sớm ngừng tung ra các bản cập nhật bảo mật cho nó mà thôi.
Nếu bạn lo lắng khi phải sở hữu một chiếc điện thoại lỗi thời, và bạn không còn nhận được các bản cập nhật nữa, cách tốt nhất là thay thế điện thoại mới.
Không chạy được các ứng dụng mới
Ngày mà thực tại ảo trở nên phổ biến vẫn còn khá xa, nhưng đã xuất hiện một vài ứng dụng VR tương đối hấp dẫn cho Android. Không may là, các loại ứng dụng mới như VR – vốn đòi hỏi tài nguyên khá nhiều – có thể không hoạt động hiệu quả trên các điện thoại đời cũ.
Nếu điện thoại của bạn đã cũ, việc chơi game có thể sẽ là một cực hình. |
Vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với các game trên Android. Gameplay càng hấp dẫn, lượng RAM cần đến càng nhiều, sức mạnh xử lý đồ họa của điện thoại cũng cần phải mạnh hơn. Nếu điện thoại của bạn đã cũ, việc chơi game có thể sẽ là một cực hình.
Cách tốt nhất để kiểm tra điều này là cài thử một vài ứng dụng đòi hỏi nhiều tài nguyên, ví dụ như các ứng dụng VR hay các game 3D đồ họa khủng, và quan sát xem chúng chạy ra sao trên điện thoại của bạn. Nếu mọi thứ không như kỳ vọng, có lẽ đã đến lúc mua điện thoại mới.
Ứng dụng crash thường xuyên
Điện thoại là do con người tạo nên, do đó chúng chắc chắn không hoàn hảo, và việc ứng dụng crash là điều không thể tránh khỏi. Tất nhiên, nguyên nhân không phải lúc nào cũng xuất phát từ điện thoại của bạn – đôi lúc, lỗi thuộc về nhà phát triển đã tạo ra ứng dụng quá nhiều lỗi hoặc khâu thiết kế quá tệ. Một khả năng khác là khả năng tương thích của điện thoại, bởi một số ứng dụng chỉ chạy được trên các điện thoại đời mới nhất mà thôi.
Thế nhưng, nếu bạn để ý thấy ứng dụng trên điện thoại mình thường xuyên crash, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn với điện thoại của bạn. Ứng dụng có thể crash vì chúng đòi hỏi quá nhiều tài nguyên, như RAM và CPU. Nếu tài nguyên không đủ, ứng dụng sẽ crash.
Bạn cũng có thể gặp tình trạng crash khi bộ nhớ lưu trữ trên thiết bị đã cạn, đặc biệt đối với các ứng dụng thường xuyên lưu hoặc truy xuất bộ nhớ trong. Các điện thoại đời mới thường được trang bị bộ nhớ lưu trữ khá cao nhằm giải quyết tình trạng này.
Camera chất lượng kém
Trong thời đại selfie, sở hữu một chiếc smartphone với camera chất lượng cao là điều quan trọng, dù bạn chỉ là người dùng thông thường muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống.
Trừ khi bạn là dân chuyên nghiệp hoặc có sở thích đặc biệt với máy ảnh, hầu hết mọi người sẽ dùng điện thoại để chụp ảnh… cho tiện. Và trong khi những chiếc điện thoại mới cho ra những bức ảnh rất ấn tượng, chiếc điện thoại lỗi thời bạn đang xài sẽ chỉ khiến bạn bẽ mặt mà thôi.
Trừ khi bạn là dân chuyên nghiệp hoặc có sở thích đặc biệt với máy ảnh, hầu hết mọi người sẽ dùng điện thoại để chụp ảnh… cho tiện. |
Bạn chẳng thể làm gì nhiều để cải thiện ảnh chụp, nếu bản thân camera của điện thoại thuộc dạng "cùi bắp". Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh có thể giúp tối ưu hóa ảnh, nhưng chúng không thể cải thiện độ phân giải. Điều này thể hiện rõ nhất trên camera trước, vốn thường có chất lượng kém hơn so với camera sau.
Giải pháp duy nhất lúc này – nếu nhiếp ảnh quan trọng với bạn – là tìm một chiếc điện thoại mới. ĐIện thoại mới sẽ có camera tốt hơn, cả trước lẫn sau, dù điều này còn tùy thuộc vào lựa chọn của bạn nữa.
Điện thoại bị hỏng, hoặc vỡ nát
Không có gì là trường tồn. Nếu chiếc điện thoại của bạn đã hư hại – dù là vỡ màn hình, rơi nút bấm, hay nứt khung vỏ - thời khắc nó ra đi có lẽ không còn xa nữa.
Hao mòn vì nguyên nhân tự nhiên cũng có vai trò nhất định. Có thể bạn có thói quen lướt Facebook khi đi dưới mưa, hay ấn ngón tay quá mạnh lên các nút bấm của máy. Hoặc đôi lúc, linh kiện bên trong, như bộ nhớ lưu trữ chẳng hạn, hỏng mà chẳng cần lý do rõ ràng nào.
Không có chiếc smartphone nào tồn tại mãi mãi |
Hư hại, dù diễn ra trong thời gian dài hay đột ngột, cũng sẽ khiến chiếc điện thoại của bạn không hoạt động hiệu quả nữa. Bạn có thể chấp nhận "sống chung với lũ", nhưng rốt cuộc không sớm thì muộn, việc nâng cấp máy là điều không thể tránh khỏi.
Dù vì lý do gì thì không có chiếc smartphone nào tồn tại mãi mãi. Một số linh kiện, như pin, có quãng đời hạn chế. Các linh kiện khác, như CPU và camera, sẽ trở nên lỗi thời khi so sánh với các điện thoại mới hơn.
Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội nâng cấp smartphone theo ý muốn. Nếu bạn chưa sẵn sàng làm việc đó, hãy thử qua một vài thủ thuật trên mạng Internet để tạm thời kéo dài thời gian sử dụng thiết bị nhé.