Theo PC Mag, Ấn Độ dõng dạc tuyên bố vừa bắn hạ một vệ tinh của họ bằng tên lửa. Song một quản trị viên tại NASA, ông Jim Bridenstine lại không hề ấn tượng với "chiến tích" này. Theo ông, khác với xả rác trên mặt đất, sẽ rất khó để dọn dẹp một khi đã tạo ra các mảnh vụn trong không gian.
Con người đã xả rác khá nhiều trong vùng không gian quanh Trái Đất. Những rác thải này bao gồm: xác vệ tinh, xác tên lửa đẩy và hằng hà vô số mảnh vụn do va chạm với "những xác chết" trôi nổi này.
Hiểm họa khôn lường
Những mảnh vụn là hiểm họa khôn lường cho các chuyến bay vũ trụ, ngay cả với vật thể to lớn như trạm Không gian Quốc tế. Gravity, một trong những bộ phim lấy cảm hứng từ chủ đề rác thải này đã vẽ ra viễn cảnh trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc và các tàu con thoi của Mỹ bị phá hủy bởi một “cơn lốc rác thải” bay ở vận tốc siêu thanh.
Vẫn còn quá sớm để có đủ dữ liệu theo dõi đám mây mảnh vỡ từ thử nghiệm chống vệ tinh của Ấn Độ, song các công ty theo dõi sẽ giám sát chặt chẽ khu vực này. Lầu Năm Góc cũng để mắt tới 250 mảnh vụn riêng biệt tại thời điểm này theo lời một quan chức nói với Reuters.
Không gian vũ trụ ngày càng nguy hiểm do rác thải. Ảnh: GMV. |
Tuy vậy, vụ va chạm đã tạo ra một đám mây mảnh kim loại ở độ cao tương đối thấp. Phần lớn các mảnh vụn sẽ bị kéo xuống bầu khí quyển Trái Đất trong vòng vài tháng.
Không chỉ Bridenstine đau đầu về thử nghiệm của Ấn Độ, các chuyên gia về mảnh vỡ không gian hiện còn có mối quan tâm lớn hơn nhiều. Các vệ tinh chuyển động ở quỹ đạo cao hơn có khả năng gây ra nhiều vấn đề lớn hơn và lâu dài hơn. Chúng có thể hình thành một “siêu đám mây mảnh vụn”.
Khoảng một nửa số mảnh vỡ trong không gian ngày nay chỉ đến từ hai nguyên nhân: Thử nghiệm chống vệ tinh năm 2007 của chính phủ Trung Quốc, và một vụ va chạm tình cờ năm 2009 giữa hai vệ tinh.
Tuy nhiên quỹ đạo thấp của Trái Đất sẽ dần "đông đúc" hơn rất nhiều với các kế hoạch tương lai. Ví dụ, OneWeb muốn đưa 900 vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo để cung cấp Internet băng thông rộng đến những nơi mà cơ sở hạ tầng không có sẵn. SpaceX cũng được chấp thuận để phân tán 12.000 vệ tinh qua quỹ đạo thấp và rất thấp của Trái Đất. Các công ty khác như Telesat và LeoSat cũng có kế hoạch tương tự ở quy mô nhỏ hơn.
Xác vệ tinh sau khi ngừng hoạt động sẽ trôi lơ lửng trong không gian. Ảnh: ESA. |
Lượng vệ tinh này có khả năng gây ra vấn đề nghiêm trọng. Trong một bài báo cáo trình bày tại Đại hội Hàng không quốc tế lần thứ 69 ở Bremen, Đức tháng 10 năm ngoái, Glenn Peterson, nhà nghiên cứu tại Tập đoàn hàng không vũ trụ (The Aerospace Corporation), đã tính toán hiệu quả việc đưa hàng nghìn vệ tinh liên lạc, giám sát và quan sát Trái Đất vào quỹ đạo thấp, nơi tồn tại phần lớn rác thải không gian ngày nay.
Nếu tất cả các cụm vệ tinh khổng lồ đó được tung ra, Peterson nhận thấy rằng các công nghệ theo dõi hiện tại sẽ tạo ra hơn 67.000 cảnh báo va chạm hàng năm. Các nhà khai thác sau đó sẽ phải lựa chọn giữa việc điều chỉnh quỹ đạo tránh va chạm cho vệ tinh mỗi ngày hoặc chấp nhận nguy cơ xảy ra va chạm nhỏ.
Dự đoán càng đúng, hiểm nguy càng nhiều
Vào tháng 1/2019, công ty khởi nghiệp Capella đã chọn di chuyển vệ tinh duy nhất của họ là Denali, khi có khả năng xảy ra va chạm lên tới 12% với một đám mảnh vụn. Giám đốc điều hành Capella Payam Banazadeh cho biết đây là một rủi ro lớn và họ đã rất nghiêm túc với vấn đề.
Đó là lần đầu tiên Capella sử dụng tên lửa đẩy của Denali, toàn bộ quá trình trên mất vài ngày. Những lần chuyển đổi quỹ đạo về sau của Denali diễn ra nhanh hơn, tuy vậy nó sẽ là thảm họa tài chính đối với công ty. Tuy tốn kém, nhưng nếu bỏ qua một cảnh báo có khả năng xảy ra, công ty có thể phá sản bởi họ chỉ có một vệ tinh.
Banazadeh cho rằng chỉ cần lơ là hay sai sót trong công tác cảnh báo sớm, mọi việc sẽ tồi tệ hơn nhiều đối với các đội bay vào không gian, nơi ngày càng trở nên đông đúc và dễ xảy ra phản ứng va chạm dây chuyền.
Radar trên mặt đất hay còn gọi là Hàng rào Không gian sẽ sớm xuất hiện trên Mạng giám sát không gian của Mỹ. Điều này sẽ cải thiện tính chính xác các dự đoán về va chạm có thể xảy ra.
Nhiều công nghệ đang được phát triển để dọn dẹp rác vũ trụ. Ảnh: BBC. |
Nhưng công nghệ này lại là con dao hai lưỡi. Các radar hiện chỉ có thể theo dõi (một cách đáng tin cậy) khoảng 20.000 mảnh rác không gian lớn hơn 10 cm, các cảm biến trong tương lai sẽ cho thấy những mảnh có kích thước nhỏ chỉ 2 cm. Khi đó con số mảnh rác cần theo dõi có thể lên tới 200.000.
Theo tính toán, ngay cả khi tất cả đối tượng được theo dõi chính xác, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với hàng trăm cảnh báo sai mỗi năm. Một số nhà khai thác có thể mạo hiểm với một cảnh báo va chạm xác suất thấp, hoặc với một mảnh vụn có kích thước bằng ốc vít. Tuy nhiên, "con ốc vít" này cũng có thể nặng bằng một viên đạn và di chuyển với tốc độ hơn 30.000 km/h.
Banazadeh cho biết hiện không có quy tắc quốc tế nào được thực thi đúng cách, ở tất cả các quốc gia và công ty. Quá nhiều sự tư tiện khiến không gian vũ trụ đang ngày càng trở nên nguy hiểm cho tất cả.