Bệnh viện Bạch Mai vừa có thêm một trường hợp ngộ độc nấm tử vong tại Trung tâm Chống độc. Như vậy, còn lại 9 bệnh nhân đang bị hôn mê gan, suy gan, tính mạng hết sức nguy kịch.
PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc, BV Bạch Mai cho biết, 3/14 chùm ca bệnh ngộ độc nấm tán trắng ở Thái Nguyên và Tuyên Quang đã tử vong tại Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai. Chỉ duy nhất một trường hợp là bệnh nhân Triệu Nho Phú, ở Võ Nhai, Thái Nguyên đã tỉnh, qua cơn nguy kịch và có khả năng hồi phục tốt. 9 trường hợp còn lại bị suy gan, hôn mê gan rất nặng, có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
“Do cả 9 bệnh nhân đều bị suy gan nặng, nguy cơ tử vong rất cao, muốn cứu sống biện pháp tốt nhất là ghép gan. Trước mắt, có thể ưu tiên trẻ em", ông Lợi cho biết.
Các bệnh nhân ngộ độc nấm có cơ hội sống nếu được ghép gan. |
Để tăng cơ hội sống cho các bệnh nhân, bệnh viện Bạch Mai đang kết nối với các bệnh viện Việt Đức, Quân đội Trung ương 108, 103 (Học viện Quân y), Nhi Trung ương … nhằm tìm kiếm nguồn gan cứu chữa cho các bệnh nhân ngộ độc nấm nguy kịch này.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là để tìm được nguồn gan ghép cho các bệnh nhân rất khó khăn, phải trông chờ vào nguồn hiến tạng từ người cho chết não, vốn đã rất ít ở nước ta.
Trước đó từ ngày 9-16/3, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 3 đợt ca bệnh ngộ độc nấm nguy kịch. Vụ ngộ độc đầu tiên ở Võ Nhai, Thái Nguyên với 5 trường hợp ngộ độc. Vụ ngộ độc thứ 2 cũng xảy ra tại Võ Nhai, Thái Nguyên khiến 5 người nguy kịch phải chuyển tiếp xuống Trung tâm Chống độc. Chùm ca bệnh thứ 3 khiến 4 người ở Tuyên Quang cũng phải nhập viện vì ngộ độc nấm. Tổng số bệnh nhân ngộ độc nấm trong 3 chùm ca bệnh trên là 14 người. Đến sáng 20/3, 5 trong số 14 bệnh nhân bị ngộ độc nấm độc đã không qua khỏi; chỉ duy nhất, trường hợp chị Hòa đã qua cơn nguy kịch, có dấu hiệu phục hồi, ăn được; còn lại đều hôn mê sâu và có nguy cơ tử vong cao.