Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu đầu năm 2022 mới mở cửa, rạp phim sẽ phá sản'

Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung của CGV - mong muốn hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa sớm, tránh nguy cơ phá sản.

Trong công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và UBND TP.HCM, đại diện của 20 nhà sản xuất phim kiến nghị được phục hồi kinh doanh, sản xuất từ ngày 15/10. Họ cam kết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung của CGV - trao đổi với Zing nếu đầu năm 2022, rạp chiếu phim mới được tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là kéo theo sự suy thoái của của cả nền điện ảnh nói chung.

Tài chính của rạp phim sắp cạn kiệt

Giám đốc nội dung của CGV chia sẻ trong 4 tháng qua, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa trên toàn quốc. Giống Galaxy, Lotte Cinema... CGV cũng đối mặt với nhiều khó khăn trước sự ảnh hưởng của Covid-19.

Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua.

rap chieu phim pha san anh 1

Đại diện CGV cho hay nhà rạp đối diện với nhiều khó khăn khi đóng cửa 4 tháng qua. Ảnh: Chí Hùng.

Cùng tình cảnh, đại diện BHD nói với Zing tài chính của nhà rạp gần như cạn kiệt khi không hoạt động trong thời gian dài, lãi vay ngân hàng, lương nhân viên, tiền bảo trì máy móc và nhiều chi phí khác chồng chất.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của công ty cũng bắt đầu gặp khó khăn, một số nhân viên phải tìm hướng đi khác khi không thể chờ đợi ngày hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại.

"Trong năm 2021, các cụm rạp chiếu phim của BHD đã phải đóng cửa hai lần. Lần đầu là vào tháng 2, ngay dịp Tết Nguyên đán - đây là thời điểm thường có doanh thu cao nhất trong năm. Lần thứ hai là từ tháng 5 kéo dài đến nay. Thực tế, rạp đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gần 2 năm qua. Hoạt động nhưng doanh thu rất thấp", đại diện của BHD chia sẻ.

BHD là một trong số 20 nhà sản xuất đã làm công văn "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM vào ngày 21/9.

"Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, BHD đã phải cùng toàn thể nhân viên đồng lòng cắt giảm lương, tiết kiệm mọi chi phí tối đa để cầm cự. Tuy nhiên, nếu việc đóng cửa kéo dài hơn thì các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, rạp cũng sẽ khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản", người này cho biết.

Đại diện BHD nói hiện các doanh nghiệp kinh doanh rạp phim mới chỉ được hưởng các hỗ trợ chung từ Nhà nước, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19 như tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hoặc giãn trả nợ ngân hàng trong 6 tháng.

Nhà rạp mong muốn Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể riêng cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành điện ảnh, rạp phim khi được phép tái hoạt động.

Nhà rạp mong mở cửa trở lại vào tháng 11

Về phía CGV, hệ thống rạp chiếu phim đã phải triển khai nhiều biện pháp khi đối diện với loạt khó khăn trong 4 tháng qua.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội, CGV mở rộng phát triển các nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, doanh thu từ các chương trình này không nhiều, chỉ mang tính duy trì kết nối với khán giả.

"Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam nói chung và CGV nói riêng, chúng tôi hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép nhà rạp được phép mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại tái hoạt động", giám đốc nội dung của CGV nhấn mạnh.

rap chieu phim pha san anh 2

Nhiều phim Việt chờ ngày ra rạp. Ảnh: ĐPCC.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và rạp phim được mở cửa, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K cùng nhiều biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Cụ thể: Nhà rạp sẽ tiến hành khử khuẩn bề mặt và xịt khử khuẩn cho rạp hàng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên lẫn khách hàng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc...

CGV cũng thực hiện giãn cách trong phòng chiếu theo đúng quy định để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên, khách hàng.

Đại diện CGV cho biết hiện 100% nhân viên làm việc tại rạp đã được tiêm phòng Covid-19 ít nhất một mũi. Hệ thống rạp chiếu phim cũng thành lập tổ an toàn phòng chống Covid-19 tại các chi nhánh để tập huấn cho nhân viên. Đồng thời, các tổ này có nhiệm vụ phản ứng nhanh khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

"Chúng tôi cũng thiết lập đường dây liên lạc giữa ban quản lý rạp, trung tâm y tế địa phương để cập nhật các thông tin về phòng chống dịch hoặc thông báo khi cần", giám đốc nội dung của CGV trao đổi thêm.

Về phía BHD, đại diện nhà rạp cho biết nếu hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 sẽ đón đầu nhiều thuận lợi: Nhiều phim bom tấn của Hollywood đã được ra mắt ở thị trường nước ngoài, các nhà phát hành tại Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn nhiều nguồn phim hay, tốt để trình chiếu.

Để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng khi rạp tái hoạt động, đại diện BHD cho biết đang nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Tại sao phải nới lỏng Luật Điện ảnh Việt?

Từ thực tiễn làm phim, đạo diễn, NSX đưa ra kiến nghị về Luật Điện ảnh sửa đổi. Họ mong muốn xóa bỏ các điều cấm trong luật và hình thành bộ tiêu chí riêng cho ngành.

Hoàng Yến

Bạn có thể quan tâm