Theo CNBC, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán tại Washington D.C (Mỹ) vào đầu tháng 10 tới, Tổng biên tập Global Times Hu Xijin viết trên Twitter rằng "có khả năng hai bên sẽ đạt một bước đột phá".
Tài khoản Twitter của ông Hu Xijin được nhiều nhà kinh tế và doanh nhân Phố Wall theo dõi để cập nhật tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, không có nhiều người lạc quan như tổng biên tập Global Times.
Ngày 6/9, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez bình luận dự báo của ông Hu Xijin là "quá lạc quan". "Quan điểm của hai bên quá khác biệt, môi trường hiện tại không thuận lợi để đạt một thỏa thuận. Không nên chờ đợi gì nhiều", ông Gutierrez nhấn mạnh.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trên thực tế đã lan sang nhiều lĩnh vực. Ảnh: Reuters. |
Theo cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nếu như thỏa thuận đó hoàn toàn có lợi cho Mỹ để Tổng thống Donald Trump có thể thu hút lá phiếu của cử tri.
CNBC dẫn lời chuyên gia Niall Ferguson thuộc Viện Hoover (Đại học Stanford University) mô tả trên thực tế Mỹ và Trung Quốc đang "bước vào giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh lạnh II". Bởi xung đột giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ bó hẹp ở thương mại, mà còn bao gồm cả công nghệ và địa chính trị.
"Có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ không giao chiến thực sự ở Biển Đông hay đâu đó, nhưng hai nước đang giằng co trong một cuộc Chiến tranh lạnh", chuyên gia Ferguson nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã liên tiếp đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Chuyên gia Ferguson cho rằng thương chiến đã leo thang đến mức lan sang các lĩnh vực khác, do đó không dễ để chính quyền Washington và Bắc Kinh muốn dừng là dừng.
Dù vậy, nhà kinh tế nổi tiếng Mohamed El-Erian của Allianz cho biết giới đầu tư Phố Wall vẫn hi vọng đàm phán tháng 10 sẽ đem lại một kết quả nào đó. "Hai nước mâu thuẫn quá sâu sắc và điều đó sẽ không thể giải quyết sớm. Tuy nhiên, thị trường vẫn trông đợi vào thông tin tích cực", ông nói.
Loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ có thể sẽ là cú đòn mới của Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post. |
Trang Investor's Business Daily bình luận cuộc đàm phán tháng 10 sẽ là cơ hội cuối cùng để Washington và Bắc Kinh hạ nhiệt chiến tranh thương mại. Bởi nếu hai bên không đạt thỏa thuận, các đợt thuế mới có hiệu lực trong tháng 12 sẽ nghiền nát quan hệ kinh tế Mỹ - Trung.
Khi đó, hai bên sẽ tiếp tục tung đòn trả đũa nhau. Trung Quốc có thể đóng cửa thị trường với các tập đoàn Mỹ. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Trump có thể "đá" hàng loạt công ty Trung Quốc ra khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Theo Politico, hiện có 159 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ với tổng giá trị vốn hóa lên đến 1.100 tỷ USD. Ông Michael Pillsbury, cố vấn của Tổng thống Trump, cho rằng cú đòn này sẽ khiến các công ty Trung Quốc rơi vào khủng hoảng và Bắc Kinh sẽ phải chấp nhận nhượng bộ.