Theo Reuters, Philippines ngày 1/11 đã yêu cầu Netflix xóa một số tập của bộ phim truyền hình gián điệp Pine Gap trên dịch vụ phát trực tuyến của công ty ở nước này.
Manila khẳng định bản đồ được đưa vào bộ phim đã vi phạm chủ quyền Philippines.
Đến cuối ngày, tập 2 và tập 3 của Pine Gap đã bị Netflix xóa bỏ khỏi dịch vụ ở Philippines. Netflix thông báo những tập phim này "bị xóa theo yêu cầu của chính phủ", nhưng không cho biết chi tiết.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sau khi xem xét kỹ lưỡng, cơ quan thẩm định phim của Philippines đã kết luận một số tập của loạt phim Pine Gap là "không thích hợp để trình chiếu công khai".
Trước đó, Netflix cũng đã gỡ bỏ phim Pine Gap khỏi dịch vụ ở Việt Nam vào ngày 30/6 sau văn bản yêu cầu từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử.
Hôm 25/6, cơ quan này đã phát hiện hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong các tập phim Pine Gap, được cung cấp trên dịch vụ của công ty Netflix tại Việt Nam.
Cụ thể, hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 bộ phim.
Việc để xuất hiện các thông tin sai về chủ quyền Việt Nam trong các tập phim đã vi phạm khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí, khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh. Vì vậy, Cục đã gửi văn bản, yêu cầu đơn vị này gỡ bỏ bộ phim.
Theo Reuters, cơ quan thẩm định phim Philippines nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp không phải là ngẫu nhiên mà nó được tính toán một cách có chủ đích để tìm cách truyền tải cụ thể thông điệp sai trái của Trung Quốc.
Năm 2013, chính quyền Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp do Trung Quốc đơn phương vẽ ra, nhằm tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông.
Tháng 7/2016, PCA đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc, khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò" là trái với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.