Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Netflix cho nhân viên nghỉ phép bao lâu tùy thích

Nhân viên ở công ty Netflix được nghỉ phép có lương bất cứ lúc nào họ muốn, bao lâu cũng được mà không cần nêu lý do, miễn sao công việc vẫn chạy.

Nhìn ra thế giới thì những cách ứng xử “cho đi” bất thường đã ngày càng trở nên bình thường hơn, vì đó là cách các doanh nghiệp cạnh tranh và tồn tại trong một môi trường có quá nhiều biến động, không còn bình thường nữa. Và công tác quản trị nhân sự, đối nhân xử thế với đội ngũ nhân viên là một phần tối quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Vì tất cả thành bại của một doanh nghiệp suy cho cùng đều bắt nguồn từ yếu tố con người.

Các doanh nhân thành công hàng đầu trên thế giới đều hiểu điều này rất rõ và họ luôn tìm cách cụ thể hóa nó bằng những cách khác nhau. Như tỷ phú Bill Gates của Microsoft chẳng hạn, ông rất tự hào là nhân viên của mình đi làm mà có cảm giác thoải mái như ở nhà vì họ được phép tự ý trang trí và bày biện không gian làm việc của mình ra sao cũng được.

Netflix anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Digital TV Europe.

Còn Larry Page của Google thì quan tâm đến các bữa ăn của nhân viên bằng cách cho đầu bếp lên menu thay đổi món hàng ngày. Ngoài ra, các phòng giải trí, video game, bóng bàn, thậm chí dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm răng cũng được bố trí hoàn toàn miễn phí (chi phí làm răng ở nước ngoài rất tốn kém!). Nghe nói nhân viên còn được mang chó vào văn phòng vì sự hiện diện của thú cưng được cho là mang lại an tâm, vui vẻ cho nhân viên.

Một công ty chuyên cho vay vốn kinh doanh nổi tiếng Ấn Độ là Lendingkart còn nghĩ ra cách làm hài lòng nhân viên độc đáo hơn bằng cách sáng tạo ra các ngày nghỉ phép riêng của công ty, bên cạnh những ngày phép chính thức theo quy định của chính phủ. Ví dụ như ngày Sinh nhật và ngày Kỷ niệm cưới, nhân viên được nghỉ có lương đàng hoàng. Đối với người còn độc thân thì có ngày Độc thân (Singles Day Out), theo đó nhân viên có thể tùy ý đăng ký một ngày nào đó trong năm cho riêng mình. Nói chung, doanh nghiệp này tìm đủ lý do để nhân viên được nghỉ phép nhiều hơn.

Nhưng phải nói độ ‘chịu chơi’ liên quan đến các chính sách nghỉ phép thì công ty truyền thông và giải trí Netflix là nhà vô địch. Thực vậy, nhân viên ở công ty này có thể nghỉ phép có lương bất cứ lúc nào họ muốn, bao lâu cũng được mà không cần phải nêu lý do, miễn sao công việc vẫn chạy và không gây ra “hậu quả nghiêm trọng”. Nghe giống như làm chủ hơn là làm công! Vậy mà công ty vẫn vận hành một cách ngon lành, rất tốt nữa đằng khác.

Có người sẽ nói Netflix tốt bụng với nhân viên quá mức như vậy vì công ty họ quá giàu, quá thành công. Đúng nhưng không trúng vì đâu phải chỉ mỗi mình Netflix giàu và thành công trên thế giới. Biết đâu chính việc trao cho nhân viên sự tự do trong các quyết định lại là một sợi dây ràng buộc vô hình đối với tinh thần trách nhiệm. Và một khi có tinh thần trách nhiệm là có sự đàng hoàng, liêm chính, không lợi dụng. Năng suất lao động và sự gắn bó lâu dài với công ty khi đó trở thành một kết quả hiển nhiên. Cho nên, có những thứ tưởng cho đi miễn phí nhưng lại mang về những thứ giá trị hơn nhiều.

Trong thế giới kinh doanh, suy cho cùng, không có gì là cho đi miễn phí hoàn toàn. Đối xử tốt với nhân viên một cách bất thường thì chi phí tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân viên cũng được tiết giảm bất thường và đặc biệt năng suất lao động lại cao hơn. Một nghiên cứu của Đại học California Riverside tại Mỹ chứng minh rằng năng suất làm việc của nhân viên được cải thiện đáng kể tại các công ty có các chương trình quan tâm, chăm sóc nhân viên chu đáo.

Theo đó, nhân viên được hưởng các chế độ chăm sóc này đã cải thiện năng suất lao động thấy rõ, trung bình tương đương một ngày làm việc đầy đủ trong một tháng. Coi như doanh nhiệp lãi ròng một ngày làm việc không công của nhân viên. Và nếu con số ngày nhân lên 12 lần trong năm và nhân thêm hàng chục, hàng trăm lần nữa tùy theo tổng số lượng nhân viên thì kết quả thu được quả là khổng lồ.

Chưa kể, tuy là chuyện đối xử tốt với nhân viên xảy ra trong nội bộ công ty nhưng một khi nó khác biệt đầy thú vị thì sẽ trở thành một đề tài mà báo chí, truyền thông đại chúng luôn quan tâm, viết bài miễn phí như trường hợp của Microsoft, Goolge, Lendingkart và Netflix vừa nêu bên trên. Từ đó uy tín, thương hiệu của công ty được vun đắp một cách âm thầm, tinh tế. Xây dựng thương hiệu chính là xây dựng một chuỗi những câu chuyện cụ thể và tinh tế như vậy.

Đối xử tốt với nhân viên một cách bất thường thì chi phí và doanh thu cũng được cải thiện một cách bất thường.

Lý Quí Trung/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY