Có lần đọc trên báo cách nay khá lâu, được biết công ty FPT luôn dang rộng vòng tay, thậm chí trong một số trường hợp còn mở tiệc chào mừng sự quay lại của nhân viên cũ từng bỏ mình ra đi. Nghe là đã thấy hay, vì về mặt tâm lý nó gửi đi một thông điệp rất nhân văn và tinh tế.
Đó là cách hành xử của công ty rất bao dung, như lời ông bà ta thường nói, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Một thông điệp lợi hại khác, là môi trường làm việc của công ty rất tốt, đến nỗi nhân viên đã bỏ đi rồi mà bây giờ phải xin quay trở lại! Mà quay trở lại trong tư thế ngẩng cao đầu đình đám, chứ không phải cúi đầu lặng lẽ.
Cho nên, đối xử tốt với một nhân viên ra đi có khi làm cho cả trăm, cả ngàn nhân viên ở lại cảm thấy ấm lòng, vui lây. Nên họ yêu quí và gắn bó với công ty như một đại gia đình, đúng với tinh thần lý tưởng mà nhiều doanh nghiệp luôn muốn đeo đuổi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Linkedln. |
Đúng ra, tuyển dụng lại nhân viên cũ về bản chất cũng đem lại nhiều cái lợi cho doanh nghiệp, chứ không thuần túy chỉ xảy ra một chiều. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí, thời gian và công sức đào tạo ban đầu khi tuyển dụng lại nhân viên cũ, những người đã rành việc và quá am hiểu văn hóa công ty.
Những nhân viên quay trở về này được giới tuyển dụng ở nước ngoài gọi là nhân viên “Boomerang” – một loại vũ khí mà khi ném đi, nó sẽ lượn một vòng để quay trở lại đúng vị trí người ném. Với góc nhìn này, doanh nghiệp không bao giờ thật sự chia tay với nhân viên, mà là chia tay trong tư thế sẵn sàng đón nhận họ trở lại bất cứ lúc nào – cùng với những chiến lợi phẩm.
Thực vậy, khi các nhân viên “boomerang” quay trở lại công ty cũ là họ quay trở lại cùng với những kiến thức và kinh nghiệm quý giá học hỏi được từ các doanh nghiệp khác trong thời gian bôn ba, đặc biệt là từ chính các đối thủ cạnh tranh trực tiếp nếu có. Đây là điều vô cùng quý giá, vì bao nhiêu kỹ năng, kiến thức, kế hoạch của đối thủ sẽ được bày hết lên trên bàn để tha hồ nghiên cứu!
Bởi vậy mà không ít các doanh nghiệp trên thế giới đã chủ động đi săn tìm nhân viên cũ để tuyển dụng lại, thay vì chỉ tiếp nhận họ một cách thụ động. Những doanh nghiệp này mới thực sự xem nhân viên là tài sản quí giá nhất, chứ không phải chỉ nói như mọi người. Vì đã là tài sản thì khi thất lạc ai lại không muốn đi tìm và nhận lại.
Tôi có biết lãnh đạo của một công ty tư nhân rất lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nhân viên kế toán hằng tháng vẫn tiếp tục gửi các bản báo cáo kinh doanh cho một trong những cán bộ quản lý cốt cán của mình đã nghỉ việc rời công ty.
Một hành động rất “bất bình thường”, đi ngược lại với quy trình phổ biến của phòng nhân sự thường áp dụng đối với nhân viên nghỉ việc, là công ty phải thu hồi tất cả các giấy tờ, thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh để không bị tiết lộ ra ngoài. Đằng này, đã không thu hồi mà còn tiếp tục cung cấp thông tin báo cáo mới hằng tháng như thể “chưa hề có cuộc chia ly”!
Đúng là một chiêu ứng xử với nhân viên tài năng quá cao tay, vì y như rằng 3 năm sau, cán bộ quản lý này đã quyết định quay về công ty cũ, nơi đã kiên trì âm thầm chờ đợi mình trong suốt thời gian qua. Như trở về nhà. Trong nghệ thuật quản trị nhân sự, cho đi chính là để nhận về.
Đối xử tốt với một nhân viên ra đi là làm vui lòng tất cả nhân viên đang ở lại. Và khi nhân viên cũ quay lại, họ sẽ quay lại cùng với những kiến thức và kỹ năng mới.
Bình luận