Sự tương ngộ giữa Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam quả thực là duyên trời định. |
Lý do để những chiến thắng trong bóng đá mang ý nghĩa xã hội rất lớn là bởi ngoài các cầu thủ - những người trực tiếp tham gia trận đấu, còn có những người tham gia điều khiển trận đấu và cả những người thưởng thức trận đấu. Bóng đá là môn thể thao mang tính tập thể và tính xã hội cao. Không quá lời khi nhận định rằng bóng đá là môn thể thao tiêu biểu nhất đại diện cho tính xã hội.
Park Hang-seo thành lập ra tổ chức xã hội Planbe cũng chính bởi ông hiểu rõ những tác động tích cực của bóng đá tới xã hội. Nếu các dự án phục vụ cộng đồng của ông là một công việc thầm lặng thì công việc của một huấn luyện viên trưởng chỉ đạo và hướng dẫn các cầu thủ, mang đến thành công cho đội bóng lại khiến ông nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.
Từ thời kỳ còn là cầu thủ trực tiếp thi đấu cho đến khi trở thành huấn luyện viên thì danh tiếng chưa bao giờ là mục đích hành động của Park Hang-seo. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng bóng đá không phải là môn thể thao mang lại vinh quang cho một cá nhân duy nhất, dù cho một vài cầu thủ có thể tỏa sáng nhưng cuối cùng thắng vẫn là nỗ lực của cả đội.
Mặc dù thành công tại Việt Nam đã giúp Park Hang- seo lần đầu tiên trở thành một nhân vật hiện tượng, nhưng đó lại chính là những thành quả đến từ việc ông đã không làm việc với mục đích nâng cao danh tiếng cho bản thân.
Thành công đến từ giá trị của tinh thần tương hỗ và hiệp đồng được Park Hang-seo nhấn mạnh là điều hoàn toàn trong khả thi, bởi như đã đề cập ở trên, bóng đá là môn thể thao phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp của 11 cầu thủ thi đấu trên sân.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam, một đội bóng đang thời kỳ khủng hoảng, đã trao cơ hội vào tay Park Hang-seo - vị huấn luyện viên đã bước vào giai đoạn xế chiều của sự nghiệp. Mặc dù Việt Nam ngày càng đầu tư nhiều hơn vào bóng đá, rõ ràng tại thời điểm đó vẫn loay hoay chưa tìm ra công thức thành công.
Trong khi đó, chủ nghĩa cá nhân của bóng đá châu Âu, chủ nghĩa phóng khoáng của Nam Mỹ hay là chủ nghĩa hệ thống của Nhật Bản, lối chơi nào cũng có ưu điểm riêng. Tiến trình phát triển của Việt Nam rất giống với Hàn Quốc trong giai đoạn 1970-1980. Một đội bóng Đông Nam Á đang cần huy động giá trị của tập thể và tinh thần đoàn kết, và họ gặp được một vị huấn luyện viên người Hàn Quốc đã qua bước đường phát triển giống như thế.
Sự tương ngộ giữa một con người đã được rèn giũa qua khó khăn và không ngại gian khổ để xây đắp thành công như Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam quả thực là duyên trời định.
Cuộc gặp này cũng đến vào một thời điểm rất phù hợp. Giả sử khi ấy Park Hang-seo đang trong thời kỳ hoạt động sôi nổi tại giải chuyên nghiệp Hàn Quốc thì hẳn rất ít khả năng ông sẽ chọn Việt Nam, mà dù có chọn Việt Nam đi chăng nữa thì cũng với một tâm thế rất khác.
Xét về phương diện thành tựu, Park Hang-seo đã có một sự nghiệp huấn luyện bóng đá khá trọn vẹn, ông gặt hái được những thành công nhất định và sống một cuộc đời không hoài phí. Điều này càng thôi thúc Park Hang-seo tiếp tục làm việc, ông có một nỗi niềm tha thiết với sự nghiệp huấn luyện bóng đá hơn là khát khao thành tựu.
Lựa chọn tiếp tục làm việc khi đã ngoài 60 của ông không đến từ động lực kiếm sống. Vốn dĩ ông đã đủ khả năng để trang trải cuộc sống gia đình. Park Hang-seo cũng không bị những vấn đề như áp lực tinh thần, áp lực tài chính đeo bám khiến cho ông không thể toàn tâm toàn ý với công tác chuyên môn.
Nếu đặt mong muốn cá nhân lên trên hết thì ông đã không thể tạo nên những thành công ngoài mong đợi như vậy với một môn thể thao cần tới sức mạnh và tinh thần đoàn kết như một của 11 cầu thủ như bóng đá, nhất là ở tại một đất nước hoàn toàn lạ lẫm như Việt Nam.
Khi bàn về thành công của đội tuyển quốc gia Việt Nam hay về huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, người ta không đề cập quá nhiều tới những chiến lược, chiến thuật độc đáo hay là ngoại hình thu hút - vốn là những nét đặc thù của nhiều huấn luyện viên nổi tiếng ở châu Âu ngày nay.
Alex Ferguson, người đã tạo nên cả một đế chế Manchester United hay Carlo Ancelotti, người đã kinh qua nhiều câu lạc bộ danh tiếng và nổi tiếng với tài cầm quân điêu luyện... đều là những người thấy được tầm quan trọng mấu chốt của nhân phẩm và tinh thần lãnh đạo ở một huấn luyện viên bóng đá.
Nhưng chúng ta vẫn tìm thấy được nét khác biệt ở Park Hang-seo. Mặc dù tỏ ra là một người thầy cực kỳ nghiêm khắc nhưng ông vẫn luôn tôn trọng và đối đãi với các cầu thủ bằng sự chân thành để nhận lại chân thành.
Lee Young Pyo, cựu cầu thủ từng làm việc với Park Hang-seo tại World Cup 2002 và ASIAD Busan 2002 cho biết: “Ông ấy vốn là người như vậy”. Đây không phải là điều gì mới ở Park Hang-seo, nhưng thông qua thành công của đội tuyển Việt Nam thì con người thật của ông mới được công chúng biết đến rộng rãi.
Trợ lý huấn luyện viên trưởng Lee Young Jin được coi là cánh tay phải của Park Hang-seo cho biết các cầu thủ Việt Nam cũng có tinh thần đồng đội mạnh mẽ như các cầu thủ Hàn Quốc trước đây nhờ nguyên tắc vận hành đội bóng của Park Hang-seo. Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ Việt Nam có được sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ vượt trội so với các đội bóng Đông Nam Á khác.
“Nếu chịu khó quan sát không khí ở đội tuyển quốc gia Việt Nam sẽ thấy rằng khi tập trung toàn đội, các cầu thủ sẽ không hành động đơn lẻ.
Một trong những nguyên tắc của Park Hang-seo là khi bước vào tuyển quốc gia thì bất cứ ai cũng phải nghĩ cho toàn đội trước khi nghĩ cho bản thân. Các cầu thủ trong cùng một đội cũng có cá tính khác nhau. Có những cầu thủ luôn đặt lợi ích của đội lên trước tiên và hy sinh cái tôi cá nhân vì lợi ích chung, và cũng có những cầu thủ có xu hướng hành động độc lập. Tuy nhiên, sau cùng họ đều đi theo số đông, hòa mình vào tập thể.
Đây chính là điểm khác biệt giữa các cầu thủ bóng đá Việt Nam với cầu thủ nước khác. Tôi nghĩ đó là nhờ những nguyên tắc mà Park Hang-seo đã đặt ra khi điều hành đội bóng”.