Căn hộ nhỏ giữa thành phố Daegu của anh Trịnh Hữu Đức và ba bạn cùng phòng người Việt khác tối hôm đó dường như ồn ào hơn mọi khi.
Ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền như những du học sinh tự túc hay người lao động bình thường khác tại Hàn Quốc, giờ đây, anh Hữu Đức và các bạn còn phải đối mặt với nỗi trăn trở nên về Việt Nam hay nên tiếp tục ở lại Daegu, trong bối cảnh thành phố này đang có nguy cơ trở thành “Vũ Hán thứ hai” vì bùng phát dịch Covid-19.
“Du học sinh đợt này cũng căng thẳng và phải suy nghĩ nhiều thứ lắm. Mình vừa quyết định sẽ về Việt Nam vào ngày 28/2. Về cách ly còn hơn”, du học sinh 26 tuổi tại trường Đại học Quốc gia Kyungpook này nói với Zing.vn sau khi vừa đặt vé máy bay từ Incheon về Hà Nội.
“Đặt vé bây giờ khó lắm, cháy vé luôn ấy. Vốn dĩ mình định sáng mai, nhưng mai hết vé rồi, ngày kia cũng không còn. Định ngày 27/2 về, nhưng vừa quay ra nói chuyện với bạn được 30 phút, quay lại đã hết vé. Mình lại phải đặt sang ngày 28. Dù sao cũng phải về thôi”, anh chia sẻ.
Người nghi nhiễm virus corona chủng mới xếp hàng chờ xét nghiệm tại thành phố Daegu hôm 20/2. Ảnh: AP. |
Quay về tránh dịch dù sẽ bị cách ly
Hành trình thoát khỏi vùng dịch của anh Đức vào ngày 28/2 tới bắt đầu bằng chuyến tàu siêu tốc từ Daegu đến sân bay Incheon, thành phố cách tâm dịch khoảng 250 km. Anh Hữu Đức cho biết đã đặt vé máy bay của một hãng hàng không giá rẻ với giá 2,6 triệu VND tính cả hành lý ký gửi, còn giá vé tàu siêu tốc “bằng một nửa giá vé máy bay”.
“Bay thẳng từ Daegu đến Hà Nội hiện hết chuyến rồi, Busan cũng hết vé nên phải sang Incheon. Nếu đặt sớm, giá vé máy bay chưa đến 2 triệu/chiều, nhưng nếu để muộn hơn chút nữa sẽ còn tăng cao lên rất nhiều”, anh nói.
“Về chắc chắn bị cách ly rồi. Điều mình sợ nhất là mình có khả năng về cùng chuyến bay với người bị nhiễm Covid-19. Cũng lo. Nhưng cứ về để được chăm sóc tốt hơn. Thà rằng bị cách ly 14 ngày nhưng được ăn, ngủ tử tế, kiểm tra sức khỏe hàng ngày còn đỡ lo hơn”, Hữu Đức nói.
Trước khi đặt vé, Hữu Đức chia sẻ với Zing.vn anh phải cân nhắc nhiều yếu tố để quyết định nên về hay nên ở lại. “Phải nghĩ xem nếu về lâu quá có bảo lưu được việc học không, sang lại có tìm việc dễ không, khi mình về mấy tháng sau quay trở lại tiền nhà trọ mình đang ở thì phải làm sao…”, anh liệt kê.
Ngày thường, du học sinh 26 tuổi làm thêm tại một nhà hàng trong thành phố để tự túc học phí và sinh hoạt phí. Nhưng từ 10 ngày trước, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu chuyển biến xấu, nhà hàng đóng cửa và anh bị cho nghỉ làm vô thời hạn. Kỳ nghỉ của trường đại học được kéo dài đến giữa tháng 3 vì dịch bệnh.
Nhà hàng nơi Hữu Đức làm việc ở Daegu vắng khách vì dịch bệnh. Ảnh: NVCC. |
Cũng quyết định trở về Việt Nam như anh Hữu Đức là Cao Văn Đức, 20 tuổi, sinh viên học tiếng Hàn tại Đại học Yeungnam ở gần Daegu. Anh cho biết chuyến bay của anh về nước trong tuần này có 15-16 bạn nữa, tính riêng những người mà anh quen. Mọi người quyết định về bất chấp khả năng bị cách ly vì trở về từ vùng dịch.
“Gia đình người thân khá quan tâm, lo lắng, ở nhà cũng sợ, bảo thôi, về đi, đỡ dịch rồi sang”, Văn Đức nói với Zing.vn và cho biết đã bảo lưu một học kỳ. “Ở lại thì chỉ có ở trong phòng cố thủ trong nhà thôi... Nếu bình thường mọi người ở lại làm hết, chứ thời gian đâu mà về”.
Về nước, Văn Đức xác định sẽ mất công việc làm thêm nhà hàng đang “ổn định”, vì chủ nhà hàng sẽ tìm người khác, và cho biết khó kiếm việc mới.
“Mấy tháng sau mình về lại Daegu, phải lo lại tiền sinh hoạt bên đây, kiếm việc làm, sang lại cần nhiều tiền lắm, nhà cửa vẫn trả hàng tháng”, Văn Đức nói. “Việc làm ngày càng khó kiếm, quanh đây có cả chục trường đại học, cao đẳng, sinh viên sang ngày càng nhiều, đa phần bạn bè em thất nghiệp nhiều”.
Ngoài ra, Văn Đức dự tính sẽ phải tới sứ quán xin lại visa trước khi trở về Daegu, và còn lo ngại không quay về được nếu dịch bệnh tiếp tục nghiêm trọng.
Vương Ngọc Bích, 24 tuổi, du học sinh tại Đại học Chung Ang, Seoul cho biết sẽ bay cùng chuyến với bốn người bạn khác về Việt Nam trong tuần này. Cô cho biết khoảng 15 người khác mà cô biết cũng sẽ về.
Bích cho biết các chuyến bay của một hãng hàng không giá rẻ Việt Nam trong ba ngày tới vẫn còn chỗ khi cô xem vào sáng 24/2, nhưng đến cuối ngày khi cô xem lại, các ngày trên đã kín chỗ, các chuyến còn lại về Việt Nam đã tăng giá. “Nếu ở lại sẽ phải đối mặt với dịch bệnh, không biết sẽ thế nào, gia đình em bảo học còn dài, sức khỏe là quan trọng, nên không cho ở lại”, Bích nói với Zing.vn.
Từ đầu tháng 2, lớp của Bích đã chuyển sang học online, và Bích “chỉ ở nhà và đi siêu thị chứ không đi đâu”. Cô dự kiến tiếp tục học online trong thời gian tới, nhưng cho biết những bạn đang học đại học bị ảnh hưởng nhiều hơn vì liên tục bị lùi lịch khai giảng.
“Lo nhất là sợ không quay lại được... Nhà của em hợp đồng đến tận tháng 12, nếu em không quay lại được thì thực sự là rắc rối”, Bích nói.
Bích cho rằng những bạn lựa chọn về nước thường có visa còn hạn nhiều tháng nữa, nhiều khả năng quay lại hơn, và thường đang học tiếng, nhìn chung linh hoạt hơn học chương trình đại học.
Đường phố ở Daegu vắng vẻ vì dịch Covid-19 bùng phát, người dân ra ngoài đều đeo khẩu trang. Ảnh: NVCC. |
Ở lại vì gánh nặng kinh tế
Làm việc tại tâm dịch Daegu, Nguyễn Mạnh Tuyền*, 23 tuổi, quê Hải Phòng, rất muốn trở về Việt Nam tránh dịch nhưng không thể. Anh là lao động bất hợp pháp sang Hàn Quốc được hai năm. Nếu bây giờ trở về Việt Nam, anh sẽ không thể quay lại Daegu và khó có cách trả được khoản nợ hơn 600 triệu VND vay mượn để sang Hàn Quốc làm việc.
“Từ lúc sang mình đi làm nông, làm nhà hàng, giờ lại làm ở xưởng nhuộm màu kính. Còn lâu lắm mới trả được số nợ mình vay để sang đây”, Tuyền nói với Zing.vn và cho biết trong những ngày qua, anh trăn trở rất nhiều về việc nên về hay ở lại.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, gia đình gọi điện giục Tuyền về nhà nhưng anh quyết định ở lại.
“Cô mình gọi bảo hay là về… nhưng bây giờ hơi khó. Vì hoàn cảnh và vì sợ mang tiếng. Người ở nông thôn, khi mình chưa thành đạt mà bước chân về, mình cũng ngại. Sợ dịch thì có sợ, nhưng đàn ông có tự trọng riêng, nên cũng phải cố gắng”, Tuyền chia sẻ.
Tại xưởng của Tuyền, anh cho biết có khoảng hơn 10 lao động bất hợp pháp khác cũng sẽ về Việt Nam để tránh dịch. “Con đường duy nhất để về bây giờ là ra đầu thú”, Tuyền nói.
Hàng dài người xếp hàng mua khẩu trang ở Daegu hôm 24/2. Ảnh: Yonhap. |
Ở cách tâm dịch Daegu chưa tới 100 km, Trương Công Hồng Ân, 25 tuổi, du học sinh tại Đại học Quốc gia Busan, quyết định ở lại. Ân vừa sang thành phố nơi anh theo học từ đầu tháng 2.
“Vừa mới sang, giờ về lại ngay thì rất tốn kém. Chị mình có gọi giục về, nói sẽ cho tiền vé máy bay, nhưng mình vẫn ở lại thôi”, Ân nói với Zing.vn và bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Ân cho biết khoảng 7-8 người bạn của mình sẽ về Việt Nam để tránh dịch. “Những người ở lại một phần vì vé máy bay đắt, phần khác còn vì kinh tế, vẫn muốn tranh thủ đi làm để tự túc chi phí bên này. Nhiều bạn biết có dịch nhưng cũng không nghỉ làm, mãi đến khi nhà hàng cho nghỉ mới nghỉ”, Ân nói.
Theo du học sinh 23 tuổi, lý do khác khiến bạn bè anh ở đây không về Việt Nam tránh dịch là lo ngại về chi phí, thủ tục bảo lưu và làm lại visa khi quay trở lại Hàn Quốc. “Nên trước mắt cứ gió chiều nào che chiều đấy vậy”, Ân nói.
Lo lắng việc học dang dở
Quyết định ở lại giống Ân nhưng Nguyễn Thị Minh Tâm, 24 tuổi, vừa kết thúc học tiếng ở Đại học Chung Ang, cho biết lý do là vì cô sắp nhập học thạc sĩ. Tuy nhiên, Tâm biết nhiều người đã đặt vé về Việt Nam, bao gồm “hơn 10 người sẽ về vào cuối tuần này”, sau khi khóa học của cô vừa kết thúc chiều 24/2.
“Bình thường nếu không có dịch sẽ không về nhiều như thế, nghỉ chỉ ba tuần không phải mọi người đều về”, Tâm nói với Zing.vn.
Trong bối cảnh dịch bùng phát nhanh ở Daegu và Cheongdo, Tâm cho biết cuộc sống của cô ở Seoul vẫn diễn ra bình thường, nhiều bạn bè vẫn đi làm. “May là công việc làm thêm của em ít tiếp xúc, vì làm văn phòng, nhưng sinh viên Việt Nam đi làm thêm thường phải tiếp xúc khá nhiều với người khác”, cô nói.
Nguyễn Thị Dung, 23 tuổi, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Dongguk, Seoul, vừa mới trở lại Hàn Quốc ngày 18/2 sau chuyến về thăm Việt Nam, thì đến ngày 19/2 có tin về “bệnh nhân 31” là ca “siêu lây nhiễm” ở Daegu. Cô lựa chọn ở lại vì cảm thấy có thể tự bảo vệ mình.
“Em cũng không đi ra ngoài nhiều, cũng hạn chế tiếp xúc với mọi người, đi đâu cũng thấy có khử trùng, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang cẩn thận”, Dung nói với Zing.vn. “Hạn chế đi phương tiện công cộng, chỗ đông người, em cảm thấy nguy cơ mình lây nhiễm là ít”.
Nhưng Dung cũng biết 5-6 người đã mua vé về Việt Nam, một người đã về rồi, sau khi làm thủ tục bảo lưu. “Một số người khác thì bảo đang cân nhắc... nói chuyện với nhau thấy mọi người tìm người làm thay để về”, Dung nói thêm.
Dung cho biết cô hiểu được lý do khiến họ về nước, có thể do hoang mang, lo chi phí khám chữa bệnh có thể đắt, hay ở Việt Nam “tâm lý sẽ vững chắc hơn”.
Tủ lạnh của Hữu Đức và bạn cùng phòng tích trữ đầy đồ ăn cầm cự mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Trong ngày 24/2, Hàn Quốc có thêm 231 ca bệnh, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên hôm 25/1. Số ca nhiễm mới trong ngày 24/2 tại thành phố Daegu là 196, nâng tổng số bệnh nhân tại thành phố này lên 483. Từ ngày 21/2, chính phủ tuyên bố thành phố Daegu và Cheongdo trở thành “khu vực chăm sóc đặc biệt”.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh ở Daegu trong thời gian tới, Tuyền đã mua đủ lương thực để cầm cự trong 1-2 tháng.
“Nếu Daegu bị phong tỏa như Vũ Hán, chắc mình vẫn phải cố thủ. Không thể nói trước được điều gì, do số phận thôi. Đã bước chân vào con đường bất hợp pháp, mình phải đánh đổi rất nhiều, chẳng còn gì để mất nữa, chỉ còn gia đình. Nên nếu trường hợp xấu quá, bắt buộc mình phải về Việt Nam, rồi lại kiếm việc trả nợ. Còn không thì chưa", lao động bất hợp pháp này nói với Zing.vn.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi để không ảnh hưởng đến nhân vật.