Reuters đưa tin theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Ukraine có thể sụt giảm 45,1% trong năm nay. Nguyên nhân là việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, kim ngạch xuất khẩu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh tế tại một số khu vực bị chặn đứng.
WB cũng dự báo GDP của Nga sẽ giảm 11,2% do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp lên ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh và những tổ chức khác của nước này.
Còn khu vực Đông Âu - bao gồm Ukraine, Belarus và Moldova - được dự báo chứng kiến GDP sụt giảm 30,7% trong năm nay. Nguyên nhân chính là cú sốc từ xung đột và gián đoạn thương mại.
GDP của Ukraine có thể sụt giảm 45,1% trong năm nay do ảnh hưởng của xung đột với Nga. Hơn một nửa doanh nghiệp nước này đã đóng cửa, Ảnh: Reuters. |
Kinh tế lao dốc
Theo WB, hơn một nửa doanh nghiệp Ukraine đã đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng. Việc đóng cửa đối với tàu hàng từ Ukraine ở Biển Đen làm giảm khoảng 90% lượng xuất khẩu ngũ cốc và một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
WB cho biết chiến sự đã khiến hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực bị cản trở, làm gián đoạn các hoạt động trồng trọt và thu hoạch của nông dân Ukraine.
Hồi đầu tháng 3, thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine được ước tính vượt quá 100 tỷ USD vào đầu tháng 3 - tương đương 2/3 GDP năm 2019 của nước này. Nhưng nay, WB cho rằng cuộc xung đột khiến thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn nữa.
Theo WB, mức giảm GDP 45,1% chưa bao gồm tác động của việc phá huỷ cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế trong tương lai. Cùng với đó là dòng người tị nạn Ukraine sang các nước khác.
Cuộc xung đột đã tàn phá cơ sở hạ tầng, khiến hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực ở Ukraine bị cản trở, làm gián đoạn các hoạt động trồng trọt và thu hoạch. Ảnh: Reuters. |
Kịch bản sẽ xấu đi nếu xung đột leo thang. Một phần nguyên nhân là thị trường tài chính mất niềm tin bởi cuộc chiến và cú sốc giá hàng hóa. Với kịch bản này, GDP Ukraine sẽ giảm 75%, còn Nga chứng kiến mức giảm 20%.
Ở kịch bản này, GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Âu và Trung Á sẽ lao dốc 9%, cao hơn gấp đôi dự báo cơ sở của WB.
"Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine và tàn phá cơ sở hạ tầng nước này", bà Anna Bjerde - Phó chủ tịch WB, phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á - bình luận.
"Ukraine cần được hỗ trợ tài chính ngay lập tức. Bởi nước này vẫn chật vật duy trì các hoạt động kinh tế, còn chính phủ phải tìm cách để hỗ trợ những công dân đang lâm vào một tình huống khó khăn", bà nói thêm.
Tàn phá cơ sở hạ tầng
Mức giảm GDP của kinh tế Ukraine được WB dự báo vượt xa các dự báo trước đó. Hồi tháng 4, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) nhận định xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ khiến nền kinh tế của 2 nước sụt giảm lần lượt 10% và 20% trong năm nay.
Theo nghiên cứu của EBRD, trong ngắn hạn, Ukraine sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn bởi cơ sở hạ tầng vật chất bị phá hủy nặng nề. Cuộc xung đột ảnh hưởng trực tiếp tới 60% sản lượng kinh tế hàng năm của Ukraine, tiêu thụ điện giảm 60% so với mức bình thường.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine và tàn phá cơ sở hạ tầng nước này
Bà Anna Bjerde, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á
Với kịch bản Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 2 tháng tới, GDP của Ukraine có thể lao dốc 1/5 trong năm nay, so với ước tính tăng trưởng trước đó là 3,5%.
Nhưng theo dự báo của EBRD, nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng 23% vào năm 2023 nếu nhận được các hỗ trợ tái thiết.
"Ngay cả với kịch bản lạc quan nhất, Ukraine cũng sẽ nghèo hơn nhiều, bởi các kho dự trữ đã bị tàn phá", nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD nhận định.
Nhưng khác với Ukraine, Nga có thể đối mặt với những thách thức dài hạn, chẳng hạn tình trạng chảy máu chất xám và việc mất khả năng tiếp cận các công nghệ phương Tây (theo những lệnh trừng phạt hiện hành).
Nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD cho rằng các lực cản vẫn sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Nga, ngay cả khi những lệnh trừng phạt hiện hành đã được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình.
"Đầu tư sẽ lao dốc, thương mại quốc tế sụt giảm, Nga không còn hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu như trước. Cùng với đó là việc ngày càng nhiều người rời khỏi Nga, dẫn đến tăng trưởng năng suất trong dài hạn thấp hơn", bà Javorcik dự báo.