Theo Reuters, bà Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại WB, cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh chóng khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất tới 5 năm.
Theo bà, chênh lệch về y tế ở từng quốc gia trong đại dịch có thể dẫn tới sự bất bình đẳng trên toàn thế giới do các nước nghèo thường chịu hậu quả nặng nề nhất. “Lần đầu tiên trong 20 năm, tỷ lệ người nghèo trên thế giới sẽ tăng sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19”, bà cho biết.
John Williams, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, cho rằng Mỹ sẽ cần 1-2 năm hoặc lâu hơn để phục hồi nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định đà hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới khá mong manh. Mỹ có nguy cơ đối mặt với một chu kỳ yếu kém trong thời gian dài.
Các nước nghèo chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 4,5% trong năm nay bất chấp chính phủ các nước ồ ạt nới lỏng chính sách tài khóa và tung các gói hỗ trợ kinh tế.
Tổng GDP toàn cầu có thể bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD vì dịch Covid-19. Báo cáo của OECD cho rằng nếu kiểm soát được đại dịch, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021. Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng có thể giảm 2-3% nếu dịch bệnh tái bùng phát và các biện pháp hạn chế, phong tỏa được áp đặt trở lại.
Những con số trên cho thấy năm đầu tiên của thập kỷ mới sẽ khép lại không mấy xán lạn. Đặc biệt, căng thẳng Mỹ - Trung có thể trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra, làm xói mòn niềm tin kinh doanh.